Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà

Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà Blog này, nơi Lưu giữ những bài viết về Cụ Đỗ Đình Thiện- Trịnh Thị Điền

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

TIỂU SỬ ĐỖ ĐÌNH THIỆN

ĐỖ ĐÌNH THIỆN
1. THUỞ ẤU THƠ
Ông Đỗ Đình Thiện sinh  năm 1904 (Giáp Thìn) tại Hà Nội. Thân sinh ông Thiện là cụ Đỗ Viết Bình, thân mẫu là cụ Trần Thị Lan. Ông Thiện là út trong gia đình, có hai anh và một chị: Đỗ Viết Dung, Đỗ Thị Hiên, Đỗ Văn Tùng[1].
Thân sinh ông Thiện, cụ Đỗ Viết Bình, quê ở làng Noi, nay là xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Lúc sinh thời, Cụ Bình đã từng làm thư ký cho một chủ đồn điền người Pháp ở Tuyên Quang, nhưng chẳng may cụ lâm bệnh mất sớm, lúc 30 tuổi, và khi đó ông Thiện mới tròn 3 tháng.
Thân mẫu ông Thiện, cụ Trần Thị Lan, quê ở làng Kẻ thuộc Hà Tây. Góa chồng từ năm 28 tuổi, cụ Lan ở vậy thờ chồng nuôi con, mặc cho không ít người tử tế theo đuổi, đòi lấy. Xuất thân là con gái nông thôn, sau khi lấy chồng, cụ Lan đã sớm tìm đường ra tỉnh làm ăn: buôn tơ, ướp chè sen, chế rượu chổi …Vốn chịu thương chịu khó, cụ đã tần tảo gây dựng nên một cơ nghiệp, tuy không giầu sang, nhưng vững chắc, đủ nuôi dưỡng các con lớn khôn và được học hành. Những năm trước kháng chiến chống Pháp, cụ có tiệm buôn tơ khá lớn ở 72-74 Hàng Gai, Hà Nội. Không được đến trường học, nhưng cụ Lan thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ, tích thơ, mà nội dung chủ yếu là những điều dăn dậy đạo lý làm người. Rất coi trọng đức tính tiết kiệm và tinh thần tự lập, Cụ thường đọc cho con cháu nghe những câu như:
“Buôn tầu buôn bè không bằng ăn dè, hà tiện.”
“Dạy vợ có dưa đừng gắp mắm,
  Khuyên con bớt gạo, cạo thêm khoai,
  Ai cười hà tiện, ta chịu vậy,
  Chẳng phiền ai, chẳng lụy ai.”
Tiết kiệm đối với bản thân, nhưng Cụ rộng lòng giúp đỡ mọi người. Cụ đã xây cầu, xây quán cho làng, giúp đỡ, tạo dựng cho nhiều bà con họ hàng lên tỉnh làm ăn. Cụ đã từng ủng hộ tiền cho Đông Kinh Nghĩa Thục, và sau này cho báo  “Le Travail”. Nói chung, Cụ đã để lại nhiều ân nghĩa và tiếng thơm ở cả hai quê, hai họ. Và bà con quen gọi Cụ một cách trân trọng bằng cái tên “Cụ Ký Hàng Gai”.
          Được nuôi dưỡng trong hoàn cảnh mất bố từ 3 tháng tuổi, mẹ buồn phiền, mất sữa, ông Thiện thời thơ ấu là một cậu bé gầy yếu, biếng ăn. Cụ Lan rất thương cậu con út sớm mất cha, còn cậu bé Thiện, không còn bố, cậu dồn cả tình thương cho mẹ. Chuyện kể rằng, hồi bé ngủ với mẹ, cậu bé Thiện cứ phải nắm dải yếm của mẹ thì mới chịu ngủ…

2. THỜI NIÊN THIẾU
          Hai anh ông Thiện, các ông Đỗ Viết Dung và Đỗ Văn Tùng, đều đã theo tây học, nên thân mẫu ông Thiện muốn cho ông học chữ Nho để sau này giúp cụ đọc các giấy tờ, văn tự. Thế là ông Thiện đã phải theo học 4 năm chữ Nho với một ông thầy đồ dạy học theo kiểu cổ, rất khắc nghiệt, dạy thì ít mà đánh phạt học sinh thì nhiều. Những kỷ niệm về thời kỳ này không mấy tốt đẹp, và cuối cùng ông Thiện đã thôi học chữ Nho, chuyển sang học chữ quốc ngữ ở trường Hàng Vôi, Hà Nội. Nhiều cá tính của ông Thiện đã hình thành từ thời kỳ này, trên ghế nhà trường: thẳng thắn, trung thực, kiên quyết bênh vực lẽ phải, và, mặc dù nhỏ người, ông không chịu để ai cậy sức bắt nạt mình và bạn bè mình. Trong phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, ông Thiện đã tham gia tích cực và bị đuổi học, phải đổi giấy khai sinh, xuống Nam Định học tiếp.
          Năm 1927, ông Thiện quyết chí xin mẹ cho đi Pháp học. Tôn trọng ý nguyện của con, nhưng trong thâm tâm không muốn dời xa con, cụ Lan - mẹ ông - đã nghĩ ra kế hỏi vợ cho ông với hy vọng, vì quyến luyến vợ chưa cưới, ông Thiện có thể sẽ từ bỏ ý định du học. Thời bấy giờ, có hình thức chơi họ: một số gia đình quen biết tin tưởng nhau quy định hàng tháng mỗi nhà đóng góp một số tiền, và lần lượt mỗi nhà sẽ được sử dụng toàn bộ số tiền đóng góp của một tháng. Như vậy mỗi gia đình, luân phiên, sẽ có được trong tay một món tiền đủ lớn để giải quyết công việc cần thiết. Cô gái mảnh mai, xinh xắn, dịu dàng Trịnh Thị Điền, ở phố Hàng Mắm, thường tới nhà cụ Lan thu tiền họ. Ưng người, ưng nết, cụ Lan quyết định dạm hỏi cô Điền cho ông Thiện. Chuyện kể lại rằng, nhiều ngày, mới sáng tinh mơ, cụ Lan đã đột xuất đến “thăm” để xem cô Điền có dậy sớm không, ăn ở có ngăn nắp không, có chăm chỉ việc nhà không…Thế là một ngày đẹp trời, chàng trai 24 tuổi Đỗ Đình Thiện và cô gái 16 tuổi Trịnh Thị Điền đã chính thức gặp mặt. Qua trao đổi chuyện trò, cả hai bên đều có thiện cảm và ưng thuận. Tuy nhiên, ông Thiện vẫn không từ bỏ ý định du học, và họ thỏa thuận đính ước nhưng không buộc nhau nhất thiết phải đợi chờ.
          Ông Trịnh Đình Cửu vốn là bạn học của ông Đỗ Đình Thiện ở trường Hàng Vôi. Ông Cửu muốn vân động ông Thiện cùng tham gia hoạt động cách mạng cùng với mình, nhưng lúc này ông Thiện đã sắp lên đường đi Pháp rồi nên không thể nhận lời. Một người bạn ông Thiện đã chứng kiến và kể lại mẩu đối thoại (bằng tiếng Pháp) như sau giữa ông Cửu và ông Thiện:
- “Anh có bầu mấu nóng không?” – ông Cửu hỏi.
- “Chừng nào tim tôi còn đập thì máu tôi còn nóng.” – ông Thiện trả lời.
Ông bạn kể lại câu chuyện này nói rằng, khi nghe được những lời đầy tâm huyết và “nguy hiểm” ấy, ông thấy lạnh cả người.

3. DU HỌC VÀ DẤN THÂN (1927-1932)
Tại Pháp, ông Thiện theo học Trường kỹ sư canh nông Toulouse. Năm 1928 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, hoạt động, đấu tranh vì giải phóng dân tộc. Ông từng được Đảng Cộng sản Pháp cử đi Liên Xô học Trường Phương Đông, nhưng vì lý do sức khỏe, ông không ở Liên Xô lâu, mà trở về tiếp tục hoạt động ở Pháp.
          Ngày 7-10-1931 ông Đỗ Đình Thiện bị cảnh sát Pháp bắt tại nhà ga Matabiau, Toulouse, khi trao truyền đơn cho binh lính người Việt Nam trong quân đội Pháp trên đường hồi hương. Ông bị đưa ra xử trước tòa án ở Toulouse, bị kết án 4 tháng tù giam và trục xuất về nước.
Trong số những bạn học và đồng chí cùng hoạt động với ông Thiện ở Toulouse, mà sau này vẫn giữ quan hệ thân thiết, có các vị : GS. Trần Văn Giầu, vợ chồng GS. Trương Công Quyền, ông Nguyễn Văn Tạo, ông Phan Tư Nghĩa, ông Châu Lượng, ông Nguyễn Văn Dựt …
          GS. Trương Công Quyền viết : “Trong thời gian anh Thiện ngồi tù, tôi có vào thăm anh Thiện nhiều lần cùng các đồng chí đảng viên cộng sản Pháp, anh Thiện đã không chịu khai bất cứ một ai trong tổ chức của mình, mà nhận trách nhiệm hoàn toàn về mình. ”
          Trang đầu Hồ sơ 15SLOTFOM 79/2301 về Đỗ Đình Thiên, hiện lưu giữ tại Pháp, ghi :
          - Họ tên : Đỗ Đình Thiện.
          - Bí danh : Ngô Tôn Sang, Dejean Leclerc-Maxime.
          - Từ Nga về 18-5-1927.
          - Trục xuất về Đông Dương ngày 3-2-1932 trên tầu thủy « Amboise ».
          Trong thư, ngày 5-10-2006, của GS. Trịnh Văn Thảo (Việt kiều ở Pháp) gửi GS. Đặng Phong, đã tóm tắt hồ sơ về Đỗ Đình Thiện, hiện lưu trữ tại Pháp, như sau:
          “Đảng CS Pháp đã biểu tình phản đối việc bắt bớ, đưa Đỗ Đình Thiện ra tòa và kết án ông ta.”
          “Đảng CS Pháp cũng tìm trạng sư bào chữa cho ông và phát động cuộc quyên tiền vào quỹ đoàn kết trong khi ông bị ngồi tù.”
          “Vài tài liệu tóm tắt các buổi họp của Ủy ban Đông Dương (do mật vụ Pháp ghi lại) cho thấy vai trò khá tích cực của ông Đỗ Đình Thiện với cán bộ cộng sản vùng Tây Nam như Phan Tư Nghĩa, Nguyễn Văn Dựt … bên cạnh các trí thức yêu nước như Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm …”
          “Nói tóm lại, Hồ sơ 15 slotfom 79/2301 về Đỗ Đình Thiên tóm tắt một cách khá đầy đủ hành trình chính trị của một sinh viên, tuy du học nhưng đã sớm chọn dấn thân cách mạng, theo con đường mac-xit lenin-nit và lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc.”

4. NGƯỜI BẠN ĐỜI
          Bà Trịnh Thị Điền sinh năm 1912 (Nhâm Tý) tại Hà Nội. Nguyên quán ở làng Tử Dương, huyện Thường Tín, Hà Tây. Thân phụ bà Điền là cụ Trịnh Hà, lang y, thân mẫu là cụ Ngô Thị Quảng, thương gia. Bà Điền có hai người anh cùng cha khác mẹ, con cụ cả Nguyễn Thị Hưởng, là ông cả Đỉnh (Trịnh Kim Đỉnh) và ông hai Khánh (Trịnh Kim Khánh). Ông cả Đỉnh có 8 người con trong khi ông hai Khánh không có con. Cụ Quảng sinh hạ được 10 người con, bà Điền là thứ 10 và là người con duy nhất nuôi được (!). Chuyện kể lại rằng, hồi còn nhỏ, có lần bà Điền ốm nặng, tưởng không qua khỏi, cụ Trịnh Hà hết sức đau khổ, thất vọng, bế con trên tay mà thốt lên rằng: “Cha làm nghề thuốc mà không cứu nổi con!”. Sau khi sinh bà Điền, cụ Quảng, nghe theo lời bói toán, đã bỏ nhà đi biền biệt, lên các tỉnh miền ngược buôn bán, thỉnh thoảng mới về, vì sợ ở gần sẽ “sát con” (!). Thế rồi, khi bà Điền lên bốn, thì cả hai cụ Trịnh Hà và Ngô Thị Quảng đều lần lượt lâm bệnh ra đi cách nhau chưa đầy một tháng (!). Theo lời trăn trối của mẹ, cô Điền về sống với vợ chồng ông hai Khánh. Ông Khánh, lớn hơn em nhiều, rất thương yêu em hoàn cảnh côi cút.
          Bà Điền ngay từ khi còn nhỏ đã được chị dâu sai bảo, huấn luyện trong công việc nội trợ. Vì còn bé, mà bếp lại cao, nên bà phải bắc ghế đứng lên để nấu cơm…Bà có được anh chị cho đi học, nhưng chỉ hết certificat thì thôi học để ở nhà giúp việc gia đình.
          Tháng 1-1929, sau khi đã hứa hôn với ông Thiện và ông Thiện đã du học Pháp được 2 năm, qua sự giới thiệu của người em họ là ông Ngô Đình Mẫn[1], bà Điền gia nhập Đảng Cộng sản Tân Việt, tham gia hoạt động trong chi bộ Phố Huế cùng các đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Tuấn Thức và Nguyễn Trọng Đàm.
          Năm 1930, sau khi 3 đảng cộng sản hợp nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương, bà Điền đã thoát ly gia đình tham gia công tác cách mạng ở Hải Phòng, Hồng Gai, Hà Nội.
          Ngày 31-3-1931 bà Điền bị bắt ở Hải Phòng, bị thực dân Pháp tra tấn dã man ở Sở mật thám Hải Phòng và Hà Nội. Bà Điền đã dũng cảm chịu đựng, không chịu khai nhận điều gì, và đã tuyệt thực 7 ngày để phản đối việc tra tấn, ngược đãi đối với phụ nữ. Không khai thác được gì, không có đủ chứng cứ, tháng 11-1931 thực dân Pháp đã phải trả tự do cho bà. Chính trong thời gian bị giam giữ này, bà Điền đã quen biết các nhà cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Lê Duẩn, v.v…
          Sau khi ra tù, bà Điền đã nhiều lần tiếp tế cho các đồng chí còn bi giam. Nói riêng, Bà đã gửi 2 lưỡi cưa sắt vào khu biệt giam ở nhà thương Phủ Doãn để các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, … tổ chức cuộc vượt ngục trong đêm Noel 1931.

5. LÀM KINH TẾ VÀ BÍ MẬT ỦNG HỘ CÁCH MẠNG (1932-1945)

Làm kinh tế
Năm 1932, sau khi ông Đỗ Đình Thiện bị trục xuất từ Pháp về, và bà Trịnh Thị Điền ở tù ra, thủy chung với lời hẹn ước năm xưa, họ làm đám cưới, cố tình không đăng ký kết hôn để tỏ thái độ bất hợp tác với chính quyền đương thời.
          Bị quản thúc chặt chẽ, không trực tiếp hoạt động cách mạng được, ông bà Đỗ Đình Thiện chuyển sang làm kinh tế, trước tiên là để nuôi sống gia đình, sau đó là để ủng hộ cách mạng khi có thời cơ.
          Sau những năm đầu đầy khó khăn và không ít lần thất bại, bằng chữ TÍN, trí thông minh và lòng qủa cảm, họ đã thành công. Đến đầu những năm 40, ông bà Đỗ Đình Thiện đã trở nên giầu có nổi tiếng Hà Thành với tiệm buôn tơ Cát Lợi ở 54 Hàng Gai, Hà Nội, nhà máy dệt ở Gia Lâm, đồn điền cà-phê Chi-nê, Hòa Bình, v.v…
          Đồn điền Chi-nê do hai chú cháu điền chủ H. Borel khởi tạo và khai khẩn trong 40 năm. Đồn điền có chiều dài khoảng 13km và chiều rộng khoảng 9km. Sau khi tham khảo ý kiến của ông Nguyễn Lương Bằng, năm 1943 ông bà Đỗ Đình Thiện đã mua đồn điền này với giá một triệu đồng Đông Dương (tương đương 2000 lượng vàng). Sản phẩm chính của đồn điền là cà-phê. Đồn điền có 2000 mẫu ruộng, và cũng chăn nuôi nhiều gia súc, chủ yếu để lấy phân bón cà-phê (năm 1943, đồn điền có khoảng 4000 trâu, bò, cừu, dê).

Mặt trận bình dân
          Trong thời kỳ Mặt trận bình dân (1936-1939), ông bà Đỗ Đình Thiện đã ủng hộ tiền và tham gia hoạt động cho báo “Le Travail” (Lao động), vận động bầu người của Đảng vào Viện Dân biểu. Ông Trịnh Văn Phú, nguyên Chủ nhiệm báo Le Travail, nguyên đại biểu Viện Dân biểu Bắc kỳ (do Đảng đưa ra tranh cử), nguyên Trưởng ban Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chứng nhận:
          “Ông Đỗ Đình Thiện, nhà ở phố Nguyễn Du số 76 Hà Nội, nay đã mất, trước có hoạt động cách mạng ở Pháp.
          Sau về nước, trong những năm 1936-1939, có tham gia phong trào mặt trận nhân dân, lúc bấy giờ tích cực ủng hộ và cổ động cho báo trí cách mạng, bầu cho đại biểu đoàn thể vào trong các viện dân biểu và hội đồng thành phố. Tham gia các hoạt động của các hội quần chúng bấy giờ.”
          “Đồng chí Trịnh Thị Điền, nguyên cán bộ Ngân hàng Nhà nước, hiện về hưu trí ở số nhà 76 phố Nguyễn Du, trước đây trong hồi Mặt trận Bình dân 1936-1939, có tham gia công tác Mặt trận, tích cực vận động nhân dân trong cuộc bầu cử dân biểu và tận tình giúp đỡ tài chính ủng hộ tờ báo nói trên do tôi phụ trách.
          Khi thoái trào Mặt trận Bình dân, nhiều bạn bè đồng chí của ông bà Thiện bị bắt trở lại. Ông Thiện đã chuẩn bị sẵn một chiếc ba lô trong có 2 bộ quần áo để có thể “đi căng”[2] bất cứ lúc nào!

Năm 1943
          Năm 1943, ông Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La, bắt liên lạc qua ông Vũ Đình Huỳnh, rồi giả làm một người buôn tơ  đến nhà riêng ông bà Đỗ Đình Thiện ở 54 Hàng Gai, Hà Nội. Ông Nguyễn Lương Bằng cho biết Đảng đang rất khó khăn về tài chính. Ông bà Đỗ Đình Thiện đã trao trực tiếp cho ông Nguyễn Lương Bằng số tiền ba vạn đồng Đông Dương. Sau này, năm 1972, trong một lần tiếp bà Thiện tại nhà riêng, đồng chí Trường Chinh, khi nhắc lại sự việc này, đã nói: “Khi nhận được số tiền 3 van đồng anh chị gửi cho qua anh Nguyễn Lương Bằng, quỹ Đảng chỉ còn 24 đồng.”. Biên niên sử Hoạt động tài chính của Đảng Cộng sản Việt Nam[3] ghi nhận:
          “Quỹ của Trung ương Đảng lúc bàn giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng chỉ còn 24 đồng Đông Dương.”
          “Vợ chồng đồng chí Đỗ Đình Thiện buôn bán tơ lụa ở phố Hàng Gai, qua đồng chí Nguyễn Lương Bằng, ủng hộ 30 000 đồng Đông Dương.”
          Cùng năm ấy, ông Nguyễn Tạo vượt ngục Ban Mê Thuột. Ông bà Đỗ Đình Thiện đã trao cho ông Nguyễn Tạo hai vạn đồng Đông Dương. Ông Nguyễn Tạo ghi nhận nhận:
          “Năm 1943 tôi vượt ngục Ban Mê Thuột ra tới Hà Nội; đồng chí Trịnh Thị Điền lại liên lạc cho tôi hai vạn đồng Đông Dương để tổ chức hoạt động cách mạng.”
          Đầu năm 1945, khoảng tháng 1-2, khi nhận được thư của ông Nguyễn Lương Bằng cho biết Đảng đang rất cần tiền, bà Thiện đã viết giấy nhờ ông Vũ Đình Huỳnh đến hãng buôn của một người Tầu, bạn hàng của bà Thiện, lấy 100.000 đồng Đông Dương để chuyển cho ông Nguyễn Lương Bằng[4]

6. NHỮNG NĂM ĐẦU CÁCH MẠNG (1945-1947)

Qũy Độc lập và Tuần lễ Vàng
          Chỉ hai ngày sau Lễ Độc lập, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Quốc lệnh số 4, ngày 4-9-1945, lập Quỹ Độc lập và cử ông Đỗ Đình Thiện làm phụ trách tại Quỹ Trung ương ở Hà Nội. Tuần lễ Vàng cũng được tổ chức trong khuôn khổ của Quỹ Độc lập.
          Trong “60 năm Tài chính Việt Nam 1945-2005”[5] có ghi:
          “Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính ngày 20/5/1948 thì Quỹ Độc lập đã thu được trên 20 triệu đồng Đông Dương, Tuần lễ Vàng đã động viên được khoảng 370 kg vàng, tương đương số thuế thu được trong một năm dưới chế độ cũ ở nước ta.”
          Ông bà Thiện đã tích cực vận động nhân dân, đặc biệt là giới công thương, đóng góp cho Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vang. Bản thân ông bà Đỗ Đình Thiện đã gương mẫu đóng góp 100.000 đồng Đông Dương vào Quỹ Độc lập, và khoảng 100 lượng vàng trong Tuần lễ Vàng.
          Trong dịp Tuần lễ Vàng, một tờ báo đã đăng mẩu tin sau đây, được vợ chồng GS. Trương Công Quyền chép lại và tặng cho gia đình ông Đỗ Đình Thiện. Có ý kiến cho rằng mẩu tin này do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh viết.
          “7-10-1931 một sinh viên tòng học năm thư 3 Đại học Khoa học ở Toulouse bị bắt ở ga Matabiau vì tặng bánh mỳ có truyền đơn nhét vào trong ruột cho binh lính Việt Nam mãn hạn lên tầu về nước. Truyền đơn này xúi dục binh lính một khi trở về nước thì bất tuân thượng lệnh và hưởng ứng phong trào cách mạng. 19-11 năm đó, sinh viên ấy bị tòa án Toulouse phạt 4 tháng tù, sau khi nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc mình làm, nhưng không chịu khai ai là đồng phạm. Sinh viên ấy, một đảng viên cộng sản, tên là Đỗ Đình Thiên, người mà ai nấy đều biết tiếng về Tuần lễ Vàng vừa rồi.”

Nghị định số 1
Tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 3 còn giữ được nguyên bản Nghị định số 1, ngày 1-9-1945, của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử ông Đỗ Đình Thiện làm ngân phiếu (số 26577 ngày 3-9-1945) rút ở Ngân hàng Đông Dương số tiền 2.500.000 đồng Đông Dương để “chi về việc khẩn cấp. Không biết đích xác số tiền này đã được chi vào những việc gì. Chỉ biết rằng lúc đó Ngân hàng Đông Dương tìm mọi cách cản trở Chính phủ ta rút tiền. Do đó đã phải cử ông Đỗ Đình Thiện đứng danh nghĩa cá nhân làm việc này.

Mua đấu giá tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
          Hồi đó, nhằm biểu thị lòng tin tưởng của nhân dân đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, chống lại những âm mưu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, đồng thời tăng ngân sách cho chính quyền cách mạng, một cuộc bán đấu giá bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức. Ông Đỗ Đình Thiện là người trả giá cao nhất (cao tuyệt đối), và đã mua bức tranh này với giá một triệu đồng Đông Dương. Ngay sau khi mua, ông Thiện tuyên bố tặng bức chân dung này cho UBND thành phố Hà Nội. Thế là cuộc đấu giá biến thành một đám rước chân dung Hồ Chủ tịch về treo ở trụ sở UBND thành phố Hà Nội. Sự kiện này đã gây tiếng vang lớn thời bấy giờ.
          Một tuần trước khi cuộc đấu giá diễn ra, tờ Dân chủ[6], ngày 18-9-1945, đã đăng bài sau đây:
          Ai sẽ mua được?
          Bức chân dung của cụ Hồ Chủ tịch sẽ đem bán đấu giá  trong ngày bế mạc Tuần lễ Vàng (23-9-45).
          Bức chân dung duy nhất của bậc ái quốc lão thành sẽ về tay ai? Nhà triệu phú cứu quốc nào sẽ có hân hạnh được mang bức chân dung kính mến đó về?
          Hiên nay trong một bữa tiệc, một nhà hào phú ái quốc ở Hà-Thành đã tuyên bố trước mặt ông Bộ trưởng bộ Tài chính sẽ nhất định mua với giá một triệu đồng (1.000.000 đ).
          Các nhà triệu phú Bắc Liêu nghĩ sao?
          Các nhà triệu phú ẩn danh khác ở toàn quốc nghĩ sao?”
          Tờ Quốc hội[7], ngày 19-12-1945 đã có bài phỏng vấn ông Đỗ Đình Thiện với lời đề tựa như sau:
          “Một buổi tối chúng tôi lại tìm ông Đỗ Đình Thiện tại nhà riêng. Trước khi vào thẳng vấn đề, chúng tôi có hỏi qua tiểu sử ông. Ông khiêm tốn trả lời: “Lúc đi học làm cách mạng, ra đời kinh doanh kỹ nghệ và nông nghiệp, tham gia vào công cuộc xã hội.”. Nhưng ai người đã quên ngay được nhà triệu phú trẻ tuổi đã từng tham gia vào phong trào vận động dân tộc giải phóng và gần đây đã có lần bỏ tiền triệu mua bức ảnh Hồ Chủ tịch để giúp Quỹ Độc lập hiện nay vẫn do ông đảm nhiệm.”
          Trong dịp bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên, tờ Cứu quốc[8], ngày 5-1-1946, đưa tin:
          “Gần đây chúng ta phần nhiều biết tên tuổi ông Đỗ Đình Thiện vì: ông là nhà triệu phú đã quyên vàng vào Tuần lễ Vàng. Ông đã giúp Chính phủ và mua bức chân dung của vị Chủ tịch với số bạc triệu.”
          Mới đây, GS. Trần Văn Giầu vẫn còn nhớ và  kể lại[9]:
          “Ông Thiện là đại tư sản Hà Nội, bạn học cũ của tôi tại Pháp. Ngày ấy, để ủng hộ cách mạng, giúp đất nước, ông Thiện đã bỏ ra một triệu đồng tiền Đông Dương để mua tấm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

“Nhà khách Chính phủ”
          Nếu như trước cách mạng tháng 8, nhà riêng ông bà Đỗ Đình Thiện, tại 54 Hàng Gai, Hà Nôi, đã từng là cơ sở cưu mang cán bộ cách mạng, thì trong những năm 1945-46 nơi đây đã trở thành “Nhà khách Chính phủ”. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ, như các ông Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Bùi Lâm, Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai, Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch …, đã thường xuyên qua lại, làm việc, tiếp khách, nghỉ ngơi, may quần áo... Nhiều cán bộ từ miền Nam ra, đặc biệt là phái đoàn Phụ nữ Nam bộ, do bà Hai Sóc dẫn đầu, đã được đón tiếp rất chu đáo tại đây. Bác Hồ cùng ông Võ Nguyên Giáp cũng đã từng nghỉ đêm tại ngôi nhà này, vì lúc đó Bác phải thay đổi chỗ ở thường xuyên để đảm bảo bí mật. Bà Thiện đã làm cơm để Bác Hồ tiếp cụ Huỳnh Thúc Kháng tại nhà 54 Hàng Gai. Bà Thiện cũng được giao nhiệm vụ làm tiệc để Bác Hồ tiếp cố vấn Bảo Đại tại phủ Chủ tịch, và tiếp các tướng tầu Tiêu Văn, Lư Hán tại 58 Nguyễn Du…

Hội đồng quản trị Đại học
          Những năm đầu của chính quyền cách mạng, ông bà Thiện tham gia vào nhiều hoạt động xã hội. Bà Thiện tham gia công tác vận động phụ nữ, công thương gia, và bà đã được bầu là ủy viên BCH Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ 1946 đến 1955. Ông Thiện, ngoài công việc của Quỹ Độc lập, còn tham gia nhiều việc khác: Chủ tịch ủy ban hành chính khu Hoàn Kiếm, ủy viên Hội Cứu đói Trung ương, Giám đốc Ngũ cốc công ty, Phó giám đốc Công thương ngân hàng …
          Ông Nguyễn Hữu Đang[10] kể lại rằng, ông Thiện đã tài trợ tiền cho việc tổ chức một lớp đào tạo 100 cán bộ thanh niên trong thời gian 2 tháng do ông Đang phụ trách. Ông Thiện cũng chính là người tài trợ một vạn đồng Đông Dương cho giải thưởng Mỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giáo dục Đại học được Chính phủ quan tâm từ rất sớm. Ông Thiện cũng có chân trong Hội đồng quản trị đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việt-Nam Dân-quốc Công-báo ngày 19-1-1946 ghi:
“Theo nghị định của Bộ trưởng bộ Quốc-gia Giáo-dục ngày 31-12-1945:
Cử những vị sau này vào Hội đồng quản-trị Đại-hoc:
Các ông:
- Vĩnh Thụy, cố-vấn Chính phủ,
- Trần Văn Cẩn, giáo-sư ban Mỹ-thuật trường Đại-học,
- Phạm Văn Đồng, giáo sư lớp Chính-trị Xã-hội trường Đại-học,
- Hoàng Xuân Hãn, giáo sư ban Khoa-học trường Đại-học,
- Phạm Khắc Quảng, giáo-sư ban Y-khoa trường Đại-học,
- Phạm Ngọc Thạch, bác-sĩ ở Nam-bộ,
- Đỗ Đình Thiện, thương-gia ở Bắc-bộ,
- Hồ Hữu Tường, giáo-sư ban Văn-khoa trường Đại-học.”

7. THÁP TÙNG HỒ CHỦ TICH ĐI PHÁP NĂM 1946
          Để chỉ đạo cuộc hòa đàm Fontainebleau nhằm cứu vãn hòa bình cho Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thực hiện chuyến đi ngoại giao đầu tiên của Người trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
          Một hôm, ông Nguyễn Lương Bằng đến 54 Hàng Gai, Hà Nội, thông báo cho ông Đỗ Đình Thiện:
- “Bác muốn anh tháp tùng Bác đi Pháp.” – ông Bằng nói.
- “Tôi có thể không đi được không?” – ông Thiện hỏi lại.
- “Nếu anh tìm được người đủ tin cậy thay anh thì anh có thể ở lại.” – ông Bằng trả lời.
Và thế là ông Thiện đã nhận nhiệm vụ này.
          Mặc dù Hồ Chủ tịch được mời với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp, chuyến đi này rõ ràng đầy bất trắc, hiểm nguy, “lành ít, dữ nhiều”.
          Tháp tùng Bác từ trong nước trong chuyến đi này có: ông Đỗ Đình Thiện, thư ký (Văn phòng), và ông Vũ Đình Huỳnh, đại tá cận vệ (Võ phòng). Tại Pháp, Văn phòng của Chủ tịch được bổ sung thêm bác sỹ Lê Văn Cưu (Việt kiều Pháp) và Võ phòng được bổ sung thêm ông Trần Ngọc Xuân (Việt kiều, đại úy hải quân trong quân đội Pháp). Ngoài ra còn một số thanh niên việt kiều, trong đó có Phạm Huy Thông, trợ giúp công việc của đoàn.
          Tới Pháp, Hồ Chủ tịch không đến ngay Paris, mà lưu lại Biarritz 10 ngày để chờ người Pháp lập chính phủ mới. Trong thời gian này Người đã đi thăm nhiều nơi trong vùng.
          Ngày 22-6-1946 Hồ Chủ tịch đáp máy bay đến sân bay Bourget, Paris, để thực hiện chuyến thăm chính thức theo lời mời của Chính phủ Pháp. Hồ Chủ tịch được đón tiếp trọng thể theo đúng nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia.
          Lịch trình làm việc của Hồ Chủ tịch bốn tháng ở Pháp (22/6 – 17/9/1946) đã được ông Đỗ Đình Thiện ghi chép trong một cuốn Nhật ký[11] mà bản gốc hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
          Ngoài việc thực hiện các nghi lễ ngoại giao, Hồ Chủ tịch đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp súc với các tổ chức, báo chí, đảng phái, cá nhân trong đó có những danh nhân thế giới như vợ chồng nhà bác học Joliot Curie, danh họa Picasso, đại văn hào Ilya Ehrenbourg …Thực ra thì nhiều người trong số họ đã từng là bạn của Bác ngay từ thời kỳ Bác hoạt động cách mạng ở Pháp. Rõ ràng, phải ở một tầm trí tuệ và văn hóa như thế nào thì mới có thể kết bạn và giữ được tình bạn với những con người như thế.
          Ngoài trách nhiệm thư ký, người ta thấy ông Thiện chính là người quan tâm, chăm lo sinh hoạt, sức khỏe của Hồ Chủ tịch. Tài liệu của Sở cảnh sát Paris đã không bỏ sót chi tiết nào về những lần ông Thiện đưa Bác đi bệnh viện khám sức khỏe, hoặc ông Thiện vào nhà băng Indochine rút tiền…
          Giữa thủ đô Paris hoa lệ, trong khách sạn Royal Monceau sang trọng, bộn bề trăm công nghìn việc, Bác vẫn luôn giữ một nếp sinh hoạt ung dung, điều độ và giản dị. Ông Đỗ Đình Thiện đã từng cảm kích kể lại kỷ niệm sau đây:
          Sáng sáng, Bác đánh răng bằng bột than củi đựng trong một hộp tròn bằng nhôm (vốn đựng thuốc đánh răng GIB) mang từ nhà đi. Ông Thiện, nghĩ rằng bác tiết kiệm, hơn nữa cũng lo không tiện về ngoại giao, đã lẳng lặng giấu hộp bột than của Bác đi, và để thay vào đó một tuýp thuốc đánh răng. Sáng dậy, Bác cứ loay hoay đi tìm hộp bột than, ông Thiện giả bộ nói: “Thưa Bác mất rồi thì thôi, mời bác dùng thuốc đánh răng”. Bác nói: “Không phải mình hà tiện đâu, nhưng mình quen rồi, đánh bằng thuốc mình cứ hay bị lợm giọng!”. Thế là sáng hôm sau, vừa thương Bác vừa cảm động, ông Thiện đành lẳng lặng đặt trả lại Bác hộp bột than đánh răng.
Quả là ý thức tiết kiệm ở Bác đã trở thành thường trực, thậm chí thành thói quen.
Ông bà Thiện đã công phu gìn giữ, bảo quản trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp gần 100 bức ảnh về chuyến đi Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Hiện còn 86 bức được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3. Điều lý thú là phần lớn các bức ảnh này đều có bút ghi của ông Đỗ Đình Thiện giải thích nội dung các sự kiện.
Cũng suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông bà Thiện đã gìn giữ, bảo quản lá cờ đỏ sao vàng, có tua kim tuyến mầu vàng, dùng cắm trên ô-tô của Hồ Chủ tịch trong thời gian ở Pháp. Sau hòa bình lập lại, ông bà Thiện đã trao lá cờ này cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ.
Cuộc hội đàm chính thức giữa phái đoàn Việt Nam, do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu, và phái đoàn Pháp đã không đạt được thỏa thuận nào. Phái đoàn Việt Nam về nước, Hồ Chủ tịch đã ở lại, cố gắng ký với M. Moutet, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại, bản Tạm ước 14-9-1945 nhằm kéo dài những ngày hòa bình để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.
Nhật ký[12] do ông Thiện ghi đã phản ảnh phần nào những hoạt động bận rộn, khẩn trương, căng thẳng của Hồ Chủ tịch trong những ngày cuối cùng ở Paris:

14-9-46
-17g Cụ đi gập ô. Moutet.
-18g Cụ đi gập ô. Bidauld.
-19g45 Cụ về khách sạn.
-12g rưỡi đêm Cụ đi gập ô. Moutet.”

15-9-46
- 16g ô. Mesmer tới đưa giấy Cụ Chủ tịch ký vào hồi gần 5 giờ, có a. Giám ở đấy.
- 17g30 Cụ đi nói truyền thanh Pháp và Việt nghe.
- 19g20 ô.b. Sainteny đến chào Cụ.”

16-9-46
Sáu ngày nay, Cụ bận suốt ngày đêm (tiếp khách đến thăm chào, đi thăm chào và thứ nhất đi công việc). Anh em trong Tùy tùng thu dọn tài liệu, đóng đồ đạc để gửi đi, đem về, viết thư, gửi thiếp chào và cáo từ các nhà chức trách, các người thân biết. Suốt ngày đêm, công việc, khách khứa tấp nập, rộn rịp.
Đêm 15, anh em thức đến 2g sáng và Cụ 3g sáng, mà sáng nay 5g đã dậy sửa soạn ra ga.
6g30, Cụ đi Hôtel Ste Anne để gập anh Mai, 7g30 Cụ về giục đi ngay kẻo trễ, bỏ cả ăn sáng.
Bẩy xe hơi đi ra ga Lyon. 7g50 tới ga…”

Ngày 18-9-1946 Hồ Chủ tịch cùng đoàn tùy tùng dời quân cảng Toulon về nước, trên chiếc thông báo hạm Dumont d’Urville, có trang bị cả đại bác 155 ly, pháo liên thanh cùng với 150 sĩ quan, thủy thủ Pháp do một viên đại tá chỉ huy.
Trong Hồi ký “Trở về với Tổ quốc kính yêu”[13], GS. Trần Đại Nghĩa viết:
“Đoàn tùy tùng theo Bác về nước gồm 6 người: anh Đỗ Đình Thiện, thư ký của Bác; anh Vũ Đình Huỳnh, đại tá cận vệ (hai người này đi theo Bác từ Hà Nội); anh Võ Quý Huân, kỹ sư cơ khí - luyện kim; anh Trần Hữu Tước, bác sĩ; anh Võ Đình Quỳnh, kỹ sư mỏ - luyện kim và tôi với tên cũ Phạm Quang Lễ.”
“Hội nghị Fontainebleau không thành công, ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt-Pháp, nghe đâu tình hình trong nước lúc đó đang căng thẳng. Khi đặt chân xuống tầu, tôi lo ngại một điều mà không dám nói ra: cuộc hành trình dài ngày, nếu nửa đường xảy ra chiến tranh ở trong nước, thì cả đoàn chúng tôi sẽ rơi vào cảnh “chim lồng cá chậu”, giải quyết, đối phó ra sao? Nhất là với Bác, hình ảnh và linh hồn của cách mạng Việt Nam.”
“…Trong cuộc hành trình, Bác có yêu cầu tầu đỗ lại bốn nơi để Bác ghé: vùng gần kênh đào Suez, Ceylan, Nha Trang và ngoài khơi Hải Phòng. Tại mỗi điểm ghé, chỉ có Bác cùng thư ký và bảo vệ lên bờ, còn bốn chúng tôi ở lại trên tầu. Bác đến đâu, gặp ai, làm gì? – tôi không tò mò tìm hiểu, lúc đó mọi người đều nghiêm túc như vậy…”
Trên đường về, từ cảng Saïd, ngày 22-9-1946 Bác đã gửi thư cho ông bà R. Aubrac, chủ nhà nơi Bác cùng Tùy tùng đã ở nhờ từ 28-7 đến 8-9-1946:
“Các bạn thân mến,
Từ lúc chúng tôi khởi hành, biển lặng, thời tiết tốt. Hàng ngày, tôi ngắm mặt trời mọc và lặn. Đó là một cảnh tượng hoành tráng và tuyệt đẹp.
Trên tầu, chúng tôi không có nhiều việc để làm. Chúng tôi đọc, chúng tôi nói chuyện, chúng tôi nghỉ ngơi, và chúng tôi nhớ các bạn.
Những người bạn mới của chúng tôi, các sĩ quan và thủy thủ, họ rất dễ mến.
Các đồng chí của tôi (Thiện, Huỳnh, và 4 người nữa mà các bạn chưa quen) và tôi, chúng tôi mạnh khỏe.
Tôi gửi tới các bạn những tình cảm thân thiết nhất. Tôi ôm hôn thắm thiết Jean Pièrre, Catherine và cháu bé gái thân yêu của tôi. Hôn Ginette. Gửi lời chào tới các bạn tôi Billoux, D’Astier, và những người khác. Hồ Chí Minh”.

Tai nạn xe hơi
          Ngày 17-7-1946, trong khi tháp tùng Hồ Chủ tịch đi thăm Normandie, xe ô-tô ông Thiện ngồi, mà suýt nữa Hồ Chủ tịch ngồi, nếu xe của Người không chữa kịp, đã bị tai nạn rất nặng: mất lái, xoay ngang, đâm vào một đống đá ven đường, lật ngửa lên, và quay ngang 3 vòng! Rất may ông Thiện đã thoát chết. Ba người khác ngồi cùng xe với ông Thiện đều bị thương nặng phải vào nằm viện, chỉ riêng ông Thiện là có thể tiếp tục đi với đoàn. Trong Nhật ký[14] ông Thiện đã miêu tả chi tiết tai nạn này:
          17-7-46
Cuộc đi thăm Normandie đã dự định trước một tuần lễ. Thăm miền Normandie là nơi quân đồng minh Anh và Mỹ đã đổ bộ vào Pháp để đánh Đức. Nhân tiện ông Sainteny có nhà trại ở đấy nên mời Hồ Chủ tịch. Cụ nhận nhời nên mới có cuộc đi thăm chơi ngày nay.
Theo đúng chương trình thì khởi hành tại khách sạn (Paris) từ 9g30, nhưng gần đến lúc đi, xe của Chủ tịch hư điện, cần sửa chữa, nên sự khởi hành chậm mất một giờ và bắt đầu 10g30 mới lên xe. Ô. Missoff thay ô. Sainteny đến đón Chủ tịch, còn ô. Sainteny sẽ đón và gặp Chủ tịch ở ngoài tỉnh.
Cụ Chủ tịch đi có tùy tùng (M. Huỳnh, Xuân, Cưu - bác sỹ, Mai Thứ - nhà chiếu bóng, Thiện) và 2 em nhỏ Jacqueline và Régine. Đi một quãng, ra đến ngoài tỉnh thì có xe ô. Sainteny đã đợi sẵn ở đấy, trong xe có 2 vợ chồng ô.b. Hertrich.
Hồ Chủ tịch ngồi xe thứ 2 với ô. Sainteny, a. Xuân và 1 em nhỏ , xe đầu có lính tự vệ với A.A. Cưu và Thứ. Kế đến xe thứ 3 có Thiện và 2 vợ chồng ô. Hertrich. Trong xe thứ tư có A.A. Huỳnh, Misoff và 1 em  nhỏ.
Bốn xe bon bon chạy trên đường nhưa rộng rãi và tốt.
Tới Evreux, cách Paris 100 cây số, hồi 11g40. Xe vẫn chạy trên đường thẳng, nhơm nhớp ướt vì trước khi đi trời mưa và lúc đi đường cũng thỉnh thoảng có hột mưa. Xe đi cái nọ cách cái kia trên dưới 100 thước nên thường trông thấy nhau. Khi đi quá Evreux lối chừng 15 cây số thì xe thứ 3, trên có 2 vợ chồng ô. Hertrich và  Thiện ngồi, tự nhiên láng sang tay trái (quãng đường chỗ ấy thật thẳng và tốc lực độ 8, 90 một giờ), rồi không hãm nổi và cũng không lấy lại được tay lái. Thế là xe không chạy theo đường mà đâm chạy ngang hẳn sang vệ đường tay trái, húc vào một đống đá, rồi nhào mũi xe xuống, lật ngửa lên, và lăn ngang 3 vòng rồi đứng dậy. Rõ ràng trông thấy tai nạn sắp xẩy đến mà thật bất lực, không làm gì được. Tôi ngồi bên trái, và về phía tay phải tôi là ô. Hertrich, rồi phía đến là b. Hertrich. Tôi còn thấy rõ ô. Hertrich, thấy nguy đến nơi, hai tay bám chặt lấy đệm xe, còn tôi, chớp nhoáng thấy mình đợi sự nguy hiểm sắp xẩy đến, nhưng cũng chớp nhoáng nghĩ như những lúc thường nói chuyện về tai nạn ô tô: “Tốt hơn, khi đi xe hòm rủi ro gập tai nạn, thì cứ ngồi nguyên trong xe chớ đừng thử mở cửa để nhẩy ra ngoài”. Thoáng nghĩ thật nhanh như thế, nên tôi cứ ngồi thản nhiên để đợi sự may rủi đến. Nhờ thế mà thấy được cả thái độ người ngồi bên, và mình vẫn được tỉnh táo. Rồi không biết trong mấy giây đồng hồ, xe va vào đâu, đổ xuống lật lên thế nào, trong xe lục đục xẩy ra thế nào, lúc ấy tôi mê không còn biết gì hết. Cho đến khi xe lăn lộn mấy vòng rồi lại lật đứng dậy thì lúc ấy tôi lại bừng tỉnh dậy, thản nhiên tay mở cửa xe lấy, bước xuống bãi cỏ, thấy có người nằm dưới gầm xe nói léo nhéo, rồi lại có người nằm trong xe mà mấy người đang lay gọi. Chỉ nhận ra trong những người đang lay gọi có A. Huỳnh và người đang còn ngất là bà Hertrich đi xe với mình, và một ông cùng đi xe với mình máu me đầy mặt. Không mê nhưng cũng chưa tỉnh hẳn, nên tôi cũng phảng phất, chưa nhận định là một tai nạn mới xẩy ra. Khi mọi người đã khiêng được bà bị ngất ra ngoài xe, thì người nằm dưới xe vẫn nói: “Tôi không ra được, xe đè lên chân tôi, lấy kích mà nâng xe lên!”. Mới đầu, tôi tưởng là một người nào đi đường bị xe đâm vào, rồi dần dần mới nhận ra người nằm dưới gầm xe ấy chính là a. tài sế lái xe. Thấy anh ấy bảo nâng xe lên, tôi cũng đứng sát lại xe để cùng nâng xe lên, quên hẳn là nâng xe bằng tay thì nâng sao được! trong khi ấy, bác sỹ Cưu băng bó cho bà bị nạn thế nào tôi cũng không nhìn thấy và không biết làm lúc nào. Cho tới khi có người dắt đỡ tôi đến một cái xe khác rồi bảo trèo lên ngồi bên sế, tôi cũng cứ việc bước lên ngồi xe, chẳng hiểu ra sao và để làm gì. Xe chạy được một quãng tôi lại tỉnh hơn nữa hỏi tài sế: - Chúng ta đi đâu? – Đi nhà thương – À đi nhà thương. Nghe nói nhà thương, tôi ngoảnh lại sau xem thì thấy 2 vợ chồng ô. Hertrich , vợ băng bó, chồng cũng băng bó, và lại cả máu mê đầy mặt. Bụng nghĩ thầm đi nhà thương, sao đi nhà thương mà không có ai đi theo, trừ tài sế lái xe, nhỡ có ai nhẩy ra ngoài xe thì làm thế nào ? Có ý chê trách không có ai đi theo. Đến nhà thương người ta bảo tôi và ô. Hertrich ngồi thì ngồi, một tý thấy người ta khiêng cáng bà Hertrich vào. Tôi vẫn chưa hiểu có việc gì không! Người ta hỏi tôi có việc gì không, tôi bảo là không việc gì, - Có đau đâu không ? – Không. À, tôi có sước tay, sưng môi, chảy máu chân. Người ta bảo chỉ có thế thì không sao. Người ta đưa ô. Hertrich lên bàn, tôi cũng đi theo. Người ta cắt tóc cho ô. Hertrich và bôi thuốc và băng bó cho ô. ấy, ở mang tai bị vết rạch bằng ngón tay, và làm những gì nữa, tôi không nhớ rõ. Còn tôi, người ta hỏi có việc gì không, tôi bảo không việc gì nhưng cũng dơ tay bị sước, môi bị sưng và chân bị chẩy máu để họ bôi thuốc cho. Tôi lại còn thấy tay với mặt sao bẩn lắm, bảo cho tôi đi rửa mặt và rửa tay. Rửa xong ra, lại thấy tài sế cũng đang nằm trên bàn để người ta xem và băng bó cho. Một lát lại thấy tỉnh hơn nữa, đã biết rõ là đã xẩy ra tai nạn, đã biết lo thì câu hỏi đầu tiên còn dớ dẩn: - Này, Chủ tịch không việc gì cả đấy chứ, Chủ tịch không ngồi xe này phải không ? Thế rồi một lát thì Cụ Chủ tịch đã đến thăm chúng tôi và thấy tôi không việc gì, còn 2 vợ chồng ô. Hertrich và tài sế nằm lại nhà thương, vì bà Hertrich gẫy xương bả vai. Chủ tịch vào buồng bà nằm, an ủi và chào bà nằm trị bệnh, cả ô. ấy và cả tài sế. Chủ tịch lên xe, tôi cũng lại lên một xe khác đi đến chỗ xẩy tai nạn mà những xe khác và đoàn vẫn đợi đấy.
Lần này đến nơi, trông thấy xe bẹp, nát, kính vỡ tan tành, cửa bị long bẫy, mũi xe bị bẹp, máy hư, tay lái không bén nữa, mới biết tai nạn vừa xẩy ra rất nặng, có thể chết hết cả bốn người ngồi xe. Cứ theo người ngồi xe trước trông lại và xe đi sau chứng kiến tai nạn ấy thì cũng cho là chết cả rồi, không hy vọng gì nữa. Thế mà chỉ có bà Hertrich bị gẫy xương, còn 3 chúng tôi bị thương nhẹ cả thì thật may mắn không biết đến đâu mà kể.
Đoàn xe lại sắp sửa bắt đầu đi thì còn thiếu 2 anh Cưu và Thứ (trở lại nhà thương Evreux để thăm bệnh nhân). Một mặt tôi đi xe trở lại Evreux để đón 2 anh ấy, một mặt, xe Chủ tịch và tùy tùng cứ việc đi trước. Đến Evreux, đón được 2 a. Cưu và Thứ rồi, chúng tôi đuổi theo 2 xe đầu. Lúc này đã 2g30 chiều, khởi hành từ Evreux, đi qua Lisieux (cách Evreux 72 cây số), một nơi cũng bị tàn phá, rồi đến Deauville (cách Lisieux 28 c.s.). Đi luôn không dừng 2 nơi này cho chóng kịp đoàn xe Chủ tịch. Khi đến cửa khách sạn Normandy thì đã thấy đoàn xe đỗ đấy. Chúng tôi xuống xe, vào khách sạn thì đã thấy Chủ tịch cùng tùy tùng ngồi bàn ăn. Chúng tôi rửa tay, chải đầu, rồi cũng ngồi vào bàn ăn dùng cơm trưa. Lúc ấy đã là 4 giờ chiều mới ăn cơm sáng, mà trong chương trình tính trước thì phải tới đây vào quãng 12g45 nếu không có việc hỏng xe trước khi ra đi và xẩy tai nạn dọc đường…”.
Một số tờ báo Pháp lúc ấy đã nêu câu hỏi: “Phải chăng đây là một vụ mưu sát trượt Chủ tịch Hồ Chí Minh?”. Nhưng rồi mọi việc cũng phải cho qua để tập trung cho những công việc hệ trọng hơn, cấp bách hơn lúc bấy giờ.
          Khi tầu cập cảng Hải Phòng, Bác về Hà Nội trước, ông Thiện phải ở lại tiếp đoàn thủy thủ Pháp. Về đến Hà Nội, Bác cho gọi ngay bà Thiện đến gặp và nói vui: “Bác đưa chú Thiện về trả cô nguyên vẹn rồi đấy nhé!”.

8. THÁNG 12-1946
          Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ông bà Thiện, với cương vị là Phó chủ tịch và ủy viên Ủy ban Kháng chiến Khu Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã tình nguyện ở lại tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ Đô, sau khi đã gửi cả bốn người con còn nhỏ sơ tán tới nhà một người bạn - ông bà Quách Văn Thinh - ở Vân Đình. Bà Thiện kể lại rằng, chiều ngày 19-12-1946 ông Phạm Ngọc Thạch còn ghé qua 54 Hàng Gai lần cuối để đón ông bà Thiện đi sơ tán, nhưng vì đã quyết ở lại tham gia chiến đấu, nên ông bà Thiện không đi. Sau 10 ngày đêm tham gia chiến đấu, có liên lạc vào đón, ông bà Thiện đã tổ chức đưa 300 cán bộ và nhân dân rút ra vùng tự do. Cuộc rút lui qua đường gầm cầu Long Biên cũng đầy gian nan nguy hiểm. Trong một phút gay go, ông bà Thiện đã nói nhỏ với nhau: “Trong hai người, phải cố sống ít nhất một để nuôi con!”.
          Nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến[15] viết:
          “26.12.46
          Nghe tin vợ chồng Đỗ Đình Thiện đương còn ở lại chiến đấu tại phố mình và đường ra rất khó khăn và nguy hiểm. Gương dũng cảm của một gia đình đại tư bản.”
          “1.1.1947
          Vợ chồng anh Đỗ Đình Thiện về được đêm hôm qua 10 giờ. Những lo hai ông bà không lọt được tay người Pháp…Vợ chồng Thiện vẫn còn khỏe. Gặp chị Thiện chẳng có gì lạ! Tinh thần quả cảm của hai vợ chồng ấy cũng đáng khen.”
          Sau khi rút khỏi Hà Nội, ông Thiện được giao nhiệm vụ thu mua thóc để dự trữ cho Quốc phòng, còn bà Thiện nhận nhiệm vụ thu mua vàng của đồng bào tản cư để vừa giúp đỡ đồng bào, vừa tích lũy cho Nhà nước.

9. NHÀ MÁY IN TIỀN VÀ ĐỒN ĐIỀN CHI-NÊ
          Để có máy in tiền, giải quyết những khó khăn lớn về tài chính của chính quyền cách mạng, ông bà Đỗ Đình Thiện đã bỏ tiền mua nhà máy in Taupin của người Pháp biếu cho Chính phủ, sau đó để Bộ Tài chính sử dụng một cơ sở của đồn điền Chi-nê, thuộc sở hữu của ông bà, để đặt nhà máy in tiền của nhà nước ta trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.
          Trong cuốn “60 năm Tài chính Việt Nam 1945-2005”[16] có đoạn viết:
          “Để đảm bảo việc sản xuất tờ bạc Việt Nam được an toàn và ổn định lâu dài, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cơ quan Ấn loát tổ chức sơ tán toàn bộ thiết bị máy móc, nguyên liệu của nhà máy in bạc ra khỏi Hà Nội. Nhà máy này nguyên là nhà in Tô-panh Hà Nội được nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện mua hiến cho Chính phủ. Địa điểm sơ tán là xã Cổ Nghĩa – Chi Nê thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.”
          Tài liệu “Nhà in Ngân hàng – 50 năm xây dựng và trưởng thành” cũng viết:
          “Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện đã bỏ tiền mua nhà in Taupin hiến cho Chính phủ, tại đây tờ giấy bạc 100 đồng (tờ bạc con trâu xanh) đã ra đời.”
          Nhà máy in tiền được di chuyển toàn bộ về đồn điền Chi-nê trong tháng 11-1946. Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến đã có mặt tại đây từ 24 giờ ngày 19-12-1946. Trưởng Ban Tài chính của Đảng Nguyễn Lương Bằng cũng đã có mặt ở đây ngày 24-12-1946.
          Nguyên bộ trưởng Bộ Tài chính xác nhận:
          “Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông bà Đỗ Đình Thiện đã có nhiệt tình đóng góp cho cuộc kháng chiến: ông bà đã dành một dịa điểm rất thích hợp tại Cổ Nghĩa Chinê (Hà Nam Ninh) để bộ tài chính xây dựng một nhà máy in bạc tương đối lớn, đáp ứng yêu cầu về tài chính trong thời gian đầu kháng chiến.”
          Trong một bài báo[17]ông Lê Văn Hiến viết:
          “Ở Chinê chúng tôi đặt cơ sở tại đồn điền của ông bà Đỗ Đình Thiện, một nhà tư sản lớn, giầu lòng yêu nước, đã từng tham gia chống thực dân Pháp ở Paris, bị Chính phủ Pháp trục xuất về nước. Ông Đỗ Đình Thiện dành cho chúng tôi nhà xưởng và nhiều tiện nghi khác để đặt cơ sở in tiền. Chỉ trong 1 tháng cơ sở đã bắt đầu hoạt động và đã in được một số tiền dự trữ cho Bộ Quốc phòng.”
          Mục tiêu bị lộ, máy bay Pháp đến oanh tạc, gây tổn thất lớn cho đồn điền. “Nhật ký của một bộ trưởng”[18] viết:
          “24.2.47
          Ngày 22 hồi 3 giờ 30, 8 chiếc khu trục Pháp đến tấn công tại khu vực đây …Tại đây thả tất cả 8 quả bom, 2 quả trúng đích làm hư hỏng nhà ở của vợ chồng anh Đỗ Đình Thiện.”
          “25.2.47
          Hai vựa café của ông Đỗ Đình Thiện bị tiêu ra tro, cháy trong một tuần lễ vẫn chưa tắt. Trong cuộc kháng chiến này, sự hy sinh của gia đình Đỗ Đình Thiện đối với quốc gia thật rất lớn, một sự nghiệp to tiêu tan không mấy chốc.
          “8.3.47
          Chiều nay trời ảm đạm quá …, cảnh tượng tiêu điều quá! Thiện đương đi bách bộ trước sân đôi mắt đăm đăm suy nghĩ, chị Thiện loay hoay sắp đặt công việc suốt ngày với một đống rác ngổn ngang trong nhà, trước sân, ngoài cửa ngõ.
Nhìn lại nhà cửa cơ đồ của Thiện, phút chốc vì tình thế mà biến đổi như thế này, kể cũng thương tâm. Một lời an ủi từ đáy lòng đưa ra. Cảnh tượng tiêu điều nhưng đầy tình tứ cao siêu của một người dân biết chia bùi sẻ ngọt với quốc gia khi lâm nạn.
Thiện cười ngạo nghễ. Chị Thiện cũng cười và đưa tay chỉ đống đồ đạc ngổn ngang: “thế mà vui đấy anh ạ”. Không biết chị có vui hay không nhưng trên nét mặt vẫn vô cùng thản nhiên và quả quyết.”

10. NUÔI BỘ ĐỘI
          Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đồn điền Chinê là nơi nuôi dưỡng nhiều đơn vị bộ đội, là nơi bồi dưỡng những đơn vị của đoàn quân Nam tiến. Ông bà Đỗ Đình Thiện đã ủng hộ bộ đội Chiến khu 2 rất nhiều lương thực, thực phẩm. Nói riêng, trung bình mỗi ngày thịt một con bò. Riêng vụ lúa Thu năm 1946-1947 đã ủng hộ 200 tấn thóc để nuôi quân. Khu trưởng Hoàng Sâm và Chính trị ủy viên Lê Hiến Mai đã có thư cảm ơn. Bức thư viết:
          “…Toàn thể bộ đội Khu hai rất cảm động được Ngài ủng hộ vụ lúa Thu trong quí đồn điền năm 1946 và 1947. Vậy nhân danh Bộ chỉ huy tối cao Chiến khu hai, chúng tôi xin thay mặt toàn thể bộ đội trân trọng gửi Ngài lời cảm ơn.
Với lòng tha thiết của Ngài trước công cuộc kháng chiến hiện nay, toàn thể bộ đội Khu hai xin hứa luôn luôn nỗ lực chiến đấu, quyết hợp lực cùng toàn dân phá tan kế hoạch mùa đông của địch để xứng đáng với nhiệt tình Ngài đã dành cho.”

11. BÁC HỒ VỚI ĐỒN ĐIỀN CHINÊ
          Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã nhiều lần qua lại đồn điền Chinê, dừng chân hoặc nghỉ đêm tại nhà riêng ông bà Đỗ Đình Thiện.
          Có lần Bác đến vào buổi tối, chỉ nghỉ lại mấy tiếng đồng hồ. Trước khi đi, Bác vào tận phòng ngủ, vén màn hôn “thằng bé con” – Bác thường gọi con trai ông bà Đỗ Đình Thiện như thế – một cái rồi lại lên đường.
          Khi Bác đến, ông Thiện thường bảo các con hát múa cho Bác vui. Nghe đến câu hát “Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài” Bác tủm tỉm cười, đôi mắt Bác cũng “cười”, rồi đưa tay lên vuốt chòm râu đã điểm bạc.
          “Nhật ký của một bộ trưởng”[19] ghi:
          18.2.47 – Trúc Sơn
          - Đạp xe về Vân Đình để sắm sửa đi Chinê.
          - Đem theo anh chị Thiện để đón tiếp Cụ.
          - Trong đêm nay Cụ đến và nghỉ lại Chinê.”
          “19.2.47
          - Cụ ở Chinê. Dân chúng không ai biết gì hết. Ban Giám đốc yêu cầu yết kiến Cụ nhưng không nên cho, vì Cụ muốn giữ kín khi đi.
          - 7 giờ tối đưa Cụ lên đường đi Thanh Hóa.”
          Trước khi Bác đi Thanh Hóa, bà Thiện chuẩn bị hai chai sữa tươi để Bác dùng khi đi đường. Chẳng may, trên đường động cơ xe ôtô bị bốc cháy. Không có nước, đành dùng 2 chai sữa để chữa cháy!
          Ông Lê Văn Hiến viết[20]:
          “21.2.47 – Chinê
          Cụ trở lại Chinê hồi 3 giờ sáng sau cuộc kinh lý Thanh Hóa. Cụ đi thăm nhà máy và lùng sục khắp các nhà …Nói chuyện với anh em công nhân và tự vệ ở đây, Cụ đã làm cho ai nấy đều thêm tin tưởng…”
          Bác cùng ông Nguyễn Lương Bằng và gia đình Đỗ Đình Thiện đi thăm một số cơ sở của đồn điền Chinê. Bác nói: “Đã nghe nói từ trước, nhưng vào đây mới thấy đồn điền này lớn thật”. Ông Thiện đùa: “Chi-nê nhất đái vạn đại dung thân”[21]. Bác “hứ” một cái và cười vui.
          Trong khi đi thăm đồn điền, có máy bay do thám “bà già” của Pháp bay qua. Bác cùng mấy đứa nhỏ - con cháu ông bà Thiện – chui xuống một hầm cá nhân bên vệ đường. Mọi người khác tản ra xung quanh.
          Bác khuyên: “Chú thím cần tìm nơi sơ tán cho các cháu, tôi lấy làm lạ sao nó chưa đánh nơi này. Nó sẽ đánh đấy!”.
          Ngay hôm sau, 22-2-1947, ông bà Thiện đưa cả gia đình đi xem một cái hang có thể làm địa điểm sơ tán. Chiều đến, trên đường trở về nhà, chỉ còn cách nhà khoảng một cây số, 8 máy bay Pháp đến oanh tạc đồn điền. Cả gia đình ông bà Thiện nằm dưới các gốc cây trong vườn cà-phê chứng kiến vụ đánh phá này.
          Hay tin máy bay Pháp oanh tạc đồn điền Chinê, Bác Hồ đã gửi thư thăm hỏi đến ông bà Thiện:
          “Chú thím Thiện. Được tin chú thím, nhà Hiền[22] và các cháu đều bình an, Tôi rất vui lòng. Mất cũa cãi không sợ. /Còn trời còn Nước còn non, thì còn cũa cãi bà con họ Hồ./ Kháng chiến thành công, ta làm ra cũa khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khõe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng.”

12. VIỆT BẮC (1947-1954)
          Ít ngày sau vụ máy bay Pháp oanh tạc đồn điền Chi-nê, ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình lên chiến khu Việt Bắc tham gia cuộc kháng chiến 9 năm, giao lại đồn điền Chi-nê cho Ban Kinh Tài của Đảng quản lý. Hành trình tản cư lên Việt Bắc của gia đình Đỗ Đình Thiện trải qua nhiều chặng: Nho Quan, Vụ bản, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bình Ca, Chiêm Hóa, Trinh. Tại mỗi chặng dừng chân đều bị máy bay oanh tạc hoặc giặc tấn công nên lại phải vội vã di chuyển tiếp.
          Tại chiến khu Việt bắc, ông Thiện đã đảm nhận một số nhiệm vụ công tác như: Giám đốc trưởng nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Trưởng phòng Quỹ Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Bà Thiện thì được giao giữ kho tiền và tài liệu của Đảng, và sau đó là Thủ quỹ của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Trong suốt thời gian được ông Nguyễn Lương Bằng mời làm Giám đốc trưởng Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (1948-1950), với bí danh Hai Chi[23], ông Thiện tình nguyện không nhận lương để “dễ điều hành” công việc.
          Ông Thiện rất gần gũi với anh em công nhân. Có lần ông đã cùng anh em công nhân đẩy mảng trên suối, chở một đầu máy xe lửa cũ để làm máy phát điện cho nhà máy. Ông Thiện đã bị kẹp suýt gẫy chân! Ông cũng rất quan tâm đến đời sống của công nhân. Ông Nguyễn Nhân, Giám đốc chuyên môn của nhà máy thời bấy giờ, mãi sau này vẫn thường thích thú kể lại rằng, ông đã được chứng kiến cuộc thảo luận về công việc của nhà máy giữa ông Thiện – nguyên là một nhà tư sản, và ông Cả - một lãnh tụ cộng sản, trong đó ông Thiện một mực bênh vực quyền lợi của anh em công nhân.
          Cuốn “Tìm hiểu lịch sử một xí nghiệp”[24] viết:
          “Ông Hai Chi là một nhân sỹ trí thức yêu nước đã từng học ở Pháp, hăng hái ủng hộ cách mạng từ lâu. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông đi theo cơ quan Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc và đã hiến cả tài sản của mình là đồn điền Chi Nê cho cách mạng.
          Để khai thác hết khả năng của cán bộ có trình độ quản lý và kỹ thuật, anh Cả thành lập hẳn một ban giám đốc gồm có:
          - Ông Hai Chi, giám đốc trưởng.
          - Tống Minh Phương, giám đốc tiếp tế.
          - Nguyễn Nhân, giám đốc chuyên môn
         
          Anh cả thường nói: “Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo của chúng ta có một đặc điểm quan trọng là: thời kỳ đầu, quyền chỉ huy sản xuất được trao cho các chuyên gia ngoài Đảng, vì lúc đó các đồng chí đảng viên, chưa có ai am hiểu kỹ thuật sản xuất. Chúng ta tin tưởng ở tinh thần yêu nước của các cán bộ kỹ thuật ngoài Đảng nên phải hết lòng bồi dưỡng để anh em vững bước đi theo đường lối của Đảng” ”.
          Tại chiến khu Việt bắc, gia đình Đỗ Đình Thiện được Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo thường xuyên quan tâm, qua lại, thăm hỏi. Ngược lại, theo truyền thống, gia đình Đỗ Đình Thiện luôn hiếu khách, quan tâm đến mọi người, ngay cả trong hòan cảnh kháng chiến khó khăn gian khổ.
          Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, tiếp theo đó là Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, diễn ra năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc. Nhà ông bà Đỗ Đình Thiện ở gần ngay nơi diễn ra Đại hội, cách không đầy 1 km, thuộc thôn Phúc Linh, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Những ngày này không khí sôi nổi, nhộn nhịp từ Đại hội “tràn sang” cả nhà ông bà Thiện: nhà thường xuyên rất đông khách, trong đó nhiều vị là chỗ quen biết với ông bà Thiện từ lâu, và cũng nhiều vị mới, đặc biệt là các đại biểu từ miền Nam ra. Trong vài tấm ảnh còn lại, chụp tại nhà riêng ông bà Đỗ Đình Thiện ở Việt Bắc, người ta thấy có các vị: Nguyễn Lương Bằng, Phạm Ngọc Thạch, Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Bùi Lâm, Hà Huy Giáp, Phan Trọng Tuệ, Vũ Đình Huỳnh, Vũ Xuân Sắc, Lê Văn Hiền và Đỗ Đình Thiện.
Cũng trong những ngày này, gia đình Đỗ Đình Thiện đã may mắn có dịp được gặp lại Bác Hồ nhiều lần: có lần Bác sang thăm gia đình, có lần Bác đón bọn trẻ con sang chỗ Đại hội xem phim, chụp ảnh với Bác, có lần Bác tới rồi nghỉ lại để hôm sau đi công tác sớm…
Một buổi tối Bác sang thăm gia đình Đỗ Đình Thiện, rồi đón các cháu  sang xem phim bên Đại hội. Đến trạm gác vào khu vực Đại hội, người ta hỏi giấy tờ. Bác chẳng mang theo giấy tờ gì cả! Thế là người ta giữ Bác lại, không cho vào. Bác thản nhiên vui vẻ đứng đợi. Một lúc sau, Ban tổ chức biết chuyện và cho người ra đón. Người ta trách đồng chí bộ đội gác cổng, đồng chí này thản nhiên trả lời rằng, vì không biết đấy là Bác Hồ, tưởng là ông già địa phương nào đó dẫn các cháu đi chơi.
Vì bận việc, Hồ Chủ tịch không tham dự đến hết Hội nghị thống nhất Việt Minh – Liên Việt được. Hôm ấy, Bác nghỉ tại gia đình Đỗ Đình Thiện để hôm sau đi sớm. Tối hôm đó, quanh bếp lửa nhà sàn, ngoài Bác và gia đình Đỗ Đình Thiện, còn có một số vị khác. Bác nói, Bác muốn viết thư chào và xin lỗi các đại biểu dự Hội nghị, chú nào có giấy bút ở đây thì viết hộ Bác. Mọi người “tiến cử” ông Trần Văn Giầu, được xem là “văn hay chữ tốt” nhất ở đấy. Ông Giầu lấy ra một tờ giấy trắng, độ bằng nửa tờ A4. Bác bắt đầu đọc. Ông Giầu đặt bút vào giữa trang giấy, chuẩn bị viết. Bác bỗng dừng lại hỏi: “Chú làm gì thế?”. Ông Giầu và mọi người chợt hiểu ra rằng Bác không muốn cho ông Giầu viết từ giữa trang giấy, mà phải viết từ đầu trang cho tiết kiệm giấy. Ông Giầu cười ngượng nghịu và đành làm theo ý Bác.
Tối đó, quanh bếp lửa, các con “nhà Thiện” và “nhà Hiền” cũng biểu diễn văn nghệ để Bác xem. Sau đó, Bác yêu cầu các chú có mặt ở đó phải hát để “đáp lễ”. Các chú bí quá đành nhờ các cháu chia 2 bè hát trống quân để các chú “hát dựa”. Tối khuya, bà Thiện mắc màn mời Bác đi nghỉ. Bác không chịu vào màn, đòi nằm ngủ ngay cạnh bếp lò. Ông Thiện nói: “Thưa Bác, nếu Bác không tự vào màn thì chúng tôi và các cháu xin phép được khiêng Bác vào”. Thế là Bác phải vào màn, và nói thêm: “Các cháu bé, cháu nào không đái dầm thì vào ngủ với Bác”.
Ông Đỗ Đình Thiên - vốn là người vui tính và yêu văn nghệ. Hơn nữa, trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ và thiếu thốn, ông luôn muốn tạo niềm vui cho gia đình và những người xung quanh. Do đó ông đã lập ra một đội văn nghệ gia đình gọi là “Đoàn kịch Mê Linh” mà diễn viên toàn là con cháu trong nhà, chủ yếu là ba người con bé “nhà Thiện” và “nhà Hiền”, gồm có Đỗ Thiên Hương (10 tuổi), Lê Lan Phương (8 tuổi) và Đỗ Long Vân (7 tuổi). Việc sưu tầm kịch bản, đạo diễn, huấn luyện đều do một mình ông Thiện đảm nhiệm. “Đoàn kịch nhí” này đã biểu diễn phục vụ, được cán bộ công nhân nhà máy Trần Hưng Đạo và bà con địa phương yêu mến. Trong Đại hội Đảng II, không có đoàn văn nghệ chuyên nghiệp nào đến phục vụ, chỉ có văn nghệ nghiệp dư thôi. Thế là “Đoàn kịch nhí” Mê Linh của gia đình Đỗ Đình Thiện lại được vinh dự tham gia biểu diễn phục vụ Đại hội. Hôm đó, dưới ánh lửa trại bập bùng ngoài trời, “Đoàn kịch nhí” diễn vở “Thi đua lập công”, rồi “Cao sinh Cao mẫu”. (Thi đua lập công là một vở kịch vui theo làn điệu trống quân, còn Cao sinh Cao mẫu là một vở kịch thơ bi tráng với nội dung như sau: đất nước đang có giặc ngoại xâm, một chàng thư sinh giầu lòng yêu nước muốn nhập ngũ đánh giặc, nhưng còn mẹ già yếu không nơi nương tựa. Hiểu thấu lòng con đang bị giằng xé giữa nợ nước và tình nhà, người mẹ đã quyên sinh để cho con yên lòng lên đường cứu nước). Kết thúc buổi diễn, nhà thơ Tố Hữu tỏ lời khen ngợi, đồng thời nói thêm: “Các chú có thiếu sót là chưa sáng tác kịp thời những vở diễn dành cho thiếu nhi, để các cháu phải diễn những vở “già” quá lứa tuổi!” Kháng chiến gian khổ thật, nhưng đôi khi cũng có những niềm vui nho nhỏ và những kỷ niệm đẹp khó quên!
Có lần, các con ông bà Thiện biếu Bác trứng và rau nhà tăng gia được, Bác đã làm bốn câu thơ cảm ơn, đánh máy trên tấm thiếp chúc tết của Bác:
          “Cãm ơn các cháu,
          Biếu Bác trứng, rau,
          Bác chúc các cháu,
Học hành tiến mau.”
Trong một thư khác Bác viết”
“Các cháu nhà Thiện, nhà Hiền,
Nhân zịp bác Cả về, Bác không có gì gỡi biếu các cháu. Bác gỡi các cháu mượn xem 1 quyễn tiễu sữ cũa 1 cháu nhi đồng Nam-bộ. Các cháu xem xong, bác sẽ gỡi cho các cháu khác xem.
Cãm ơn Thím Thiện đã biếu 2 chai tương rất ngon.
Chúc các chú thím mạnh khõe, và Hôn các cháu.”
Các con gái lớn “nhà Thiện” và “nhà Hiền”, gồm có Đỗ Thanh Liên, Lê Thị Hồng Minh và Đỗ Kim Anh, được giao thêu áo để Bác gửi tặng chiến sỹ ngoài mặt trận. Trong một thư gửi ông Nguyễn Lương Bằng, Bác viết:
“Chú Cã,
Thư chú viết hôm 22, hôm 27 tiếp được. Lần này z.t.[25] mau hơn.
          -Áo nhận được cả rồi.
          -Gỡi lời khen các cháu nhà Thiện nhà Hiền thêu khéo. Còn nhiều ít áo đồ đang thêu?”
Trong một thư khác gửi ông bà Thiện, Bác viết:
“Gỡi Chú Thím Thiện,
Cãm ơn chú thím đã gỡi biếu 1 bộ áo rất đẹp, nhất là cái zì cũng tự tay mình làm lấy.
Nge nói các cháu thêu khéo. Bác gỡi lời khen các cháu và hôn các cháu.
Thân ái
12/48
Bác”

Năm 1952, ông bà Đỗ Đình Thiện chuyển sang nhận công tác ở Ngân hàng Trung ương vừa được thành lập. Cơ quan vừa mới chuyển đến Cầu Bì thuộc ATK (An toàn khu), Thái Nguyên nên còn rất khó khăn thiếu thốn. Gia đình ông bà Thiện ở nhờ và ở chung với một gia đình đồng bào địa phương, trên một ngôi nhà sàn, dưới gầm nuôi trâu, lợn, gà. Nhà ở cách đường mòn vài chục mét.
Một hôm Bác đi công tác qua, cưỡi ngựa vào tới nửa ngõ mới phát hiện là gia đình ở chung với đồng bào. Bác quay ngựa ra, cho cần vụ vào gọi gia đình ra đường gặp Bác. Sau khi hôn các cháu, Bác ngồi xuống vệ đường nói chuyện, thăm hỏi gia đình, rồi cầm một cái que vẽ đường đi đến chỗ Bác ở. Bác nói: “Mời chú thím vào chơi, các cháu thì Bác không mời vì nhỡ đi về ốm lại “đổ tại” Bác; và nếu chú thím ở đây khó khăn, chú Cả chưa làm được nhà, thì chú thím và các cháu vào ở chỗ Bác.”
Bác quan tâm, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với gia đình vậy đó. Nhưng ông bà Thiện là những người khí khái, tự trọng, không bao giờ lạm dụng lòng tốt của Người. Gia đình Đỗ Đình Thiện, dĩ nhiên, không vào ở chỗ Bác, thậm chí cũng không bao giờ vào đó chơi. Có lần, các con ông bà Thiện hỏi: “Sao Bác mời mà bố mẹ không vào thăm Bác?”. Ông Thiện trả lời: “Đang chiến tranh, chỗ Bác ở cần phải giữ bí mật, không có việc thì không nên vào”.
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang ở giai đoạn cao trào, khoảng cuối 1953 đầu 1954, cần phải huy động rất nhiều nhân lực, vật lực. Bà Thiện, lúc ấy đang tạm nghỉ việc ở Tuyên Quang để chuyển công tác khác, đã xung phong đi dân công làm đường hàng tháng trời để phục vụ chiến dịch. Còn con gái cả ông bà Thiện, chị Đỗ Thanh Liên[26], khi đó đang là học sinh lớp 8 trường Tân trào, Tuyên Quang, đã xung phong đi phục vụ tiền phương chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong số 28 học sinh của trường xung phong đi phục vụ chiến dịch, Đỗ Thanh Liên là nữ sinh duy nhất. Tiễn con gái lên đường đi chiến dịch, ông Thiện nói với con: “Bố mẹ rất tiếc không có con trai lớn để tham gia đánh giặc, bố mẹ rất kiêu hãnh về việc làm này của con.”
Năm 1950, ông bà Đỗ Đình Thiện đã được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân Chương Kháng chiến hạng Nhì vì “Đã hăng hái tham gia kháng chiến, xung phong hiến điền và hy sinh tài sản cho Chính phủ”. Ông Nguyễn Lương Bằng cho biết, lúc bấy giờ, mới chỉ có 2 trường hợp cả vợ lẫn chồng cùng được tặng thưởng huân chương: đó là ông bà Đỗ Đình Thiện và ông bà Tống Minh Phương.

13. TRỞ VỀ THỦ ĐÔ
          Ông Đỗ Đình Thiện nghỉ công tác từ 1953 vì điều kiện sức khỏe: ông thường bị bệnh chóng mặt từ sau tai nạn ôtô ở Pháp năm 1946. Ông trở về Thủ Đô sau ngày kháng chiến chống Pháp thắng lợi, sống tại nhà riêng ở 76 Nguyễn Du, Hà Nội.
Từ 1958 đến 1972 ông Đỗ Đình Thiện được bầu là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông tích cực tham gia và hoàn thành có trách nhiệm mọi nhiệm vụ được giao.
Mặc dù hoàn cảnh kinh tế của gia đình lúc này không lấy gì làm sung túc, nếu không muốn nói là khá khó khăn, ông bà Đỗ Đình Thiện vẫn rất quan tâm đến việc giáo dục các con, và trên thực tế đã hết sức cố gắng để tất cả 4 người con đều được học hành đến nơi đến chốn.[27]
Các bạn và đồng chí cũ như các ông Trần Văn Giầu, Trương Công Quyền, Nguyễn Văn Dựt, Phan Tư Nghĩa, Châu Lượng, Bùi Lâm, Nguyễn Tạo, Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai, Nguyễn Khánh Toàn …vẫn thường xuyên có mặt tại gia đình Đỗ Đình Thiện. Một số vị khác như Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Hoan, Trần Duy Hưng …cũng thỉnh thoảng tới thăm, đặc biệt là vào các dịp lễ tết. Còn Bác Tôn Đức Thắng thì đã từng có lần đi xe đạp đến thăm gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện tại nhà riêng ở 76 Nguyễn Du, Hà Nội.
Một lần vào dịp tết, khoảng năm 1960, Bác Hồ đã tới thăm gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện ở 76 Nguyễn Du, Hà Nội. Nhìn thấy trên bàn ăn có bánh trưng Bác vui vẻ nói:  “Thế là có tết rồi đây!”. Gia đình Đỗ Đình Thiện tiếp Bác ở phòng khách tầng 1. Biết con gái thứ 3 của ông bà Thiện, cháu Đỗ Thiên Hương, bị ốm nằm trên gác, Bác lên tận nơi thăm hỏi[28].
Một dịp khác, Bác mời cả gia đình Đỗ Đình Thiện lên Chủ tịch phủ, tiếp chuyện ở phòng khách, và sau đó chiêu đãi phim…
Ông Đỗ Đình Thiện sống giản dị, không có lương hưu, và hưởng bìa N (là tiêu chuẩn thấp nhất thời bao cấp, dành cho Nhân dân). Khi ông Thiện lâm bệnh vào nằm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, bác sỹ Kỳ, Chủ nhiệm khoa Tim mạch, đã lúng túng không biết xếp ông Thiện vào tiêu chuẩn nào (thời đó thuốc điều trị phụ thuộc vào lương và cấp bậc!).  Bác sỹ Kỳ về nhà kể với gia đình mình rằng: “Trong bệnh viện có một trường hợp rất lạ: một ông cụ chẳng có chức vụ gì, thậm chí không có lương, nhưng các đồng chí ủy viên trung ương cứ thay nhau vào thăm!”

14. VỀ CÕI VĨNH HẰNG
          Ông Đỗ Đình Thiện mất ngày 2 tháng 1 năm 1972 (tức 16-11 Tân Hợi) tại Bênh viện Hữu nghị Việt Xô, hưởng thọ 69 tuổi. Đó đúng vào dịp máy bay Mỹ tạm ngừng đánh phá miền Bắc và Hà Nội. Ông Đỗ Đình Thiện lặng lẽ ra đi, không có điếu văn ( thời đó chưa có thói quen đọc điếu văn trong lễ tang đối với nhân dân và cán bộ bình thường), nhưng để lại niềm tiếc thương vô hạn và kỷ niệm đẹp trong lòng người thân, họ hàng, bạn bè, đồng chí từ thành phố đến thôn quê.
          Trong thời gian ông Đỗ Đình Thiện bệnh nặng, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước đã vào bệnh viện thăm Ông.
          Tổng bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh cùng phu nhân đã đến viếng ông Đỗ Đình Thiện và chia buồn cùng gia đình. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Hoàng Quốc Việt, Phó thủ tướng Phan Kế Toại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng, Bí thư thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân, và nhiều vị cao cấp khác đã đến viếng và tiễn đưa ông Đỗ Đình Thiện.
          Trong số các bạn học và đồng chí cùng hoạt động tại Pháp đến viếng và tiễn đưa ông Đỗ Đình Thiện, người ta thấy có các vị: Trần Văn Giầu, Trương Công Quyền, Nguyễn Xiển, Phan Tư Nghĩa, Nguyễn Văn Dựt, Châu Lượng, Phi Hoanh … Ông Trần Văn Giầu kể lại rằng, trong lễ tang ông Đỗ Đình Thiện người ta bàn tán với nhau: “Anh Đỗ Đình Thiện, khi có một xu dính túi cũng như khi có một triệu đồng trong túi, đối với bạn bè không hề thay đổi, lúc nào cũng hết lòng giúp đỡ bạn bè”. Thật ra, đã từ lâu ông Thiện được bạn bè mệnh danh là “Mạnh thường Quân”.
Thân bằng cố hữu ở Thủ đô ngậm ngùi tiễn đưa ông Đỗ Đình Thiện, bà con nông thôn nhiệt thành đón Ông về an nghỉ nơi cánh đồng làng quê hương.
Gần đây, ông Trần Văn giầu kể lại rằng, trong một lần từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, ông tới thăm ông Phạm Văn Đồng. Lúc chia tay ông Giầu nói: “Bây giờ tôi tới “thăm” “ông bạn triệu phú” của tôi đây”. Ông Đồng liền hỏi: “Anh đến nhà anh Thiện à?”. Ngừng một lúc, ông Đồng tiếp: “Anh Đỗ Đình Thiện là một người rất đặc biệt: Bác Hồ và tôi làm việc cho cách mạng còn phải có lương, nhưng anh Thiện thì không chịu nhận lương!”
         
Bà Đỗ Đình Thiện (tức Trịnh Thị Điền)  mất ngày 21-6-1996 (tức 6-5 Bính Tý) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, hưởng thọ 85 tuổi.
          Tổng bí thư Đỗ Mười, Cố vấn Phạm Văn Đồng đã gửi vòng hoa viếng bà Đỗ Đình Thiện.
          Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình đã đến viếng bà Đỗ Đình Thiện, chuyển thư chia buồn và vòng hoa viếng của Đại tướng.
          Đại diện gia đình các cố đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Bùi Lâm, Bùi Công Trừng, Trần Duy Hưng … đã đến viếng bà Đỗ Đình Thiện.
          Thư chia buồn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:
         
“Tôi rất xúc động được tin buồn đ.c.[29] Trịnh Thị Điền (chúng tôi thường gọi là chị Thiện) từ trần. Đ.c. là một người phụ nữ mẫu mực đã suốt đời fục vụ nhân dân, fục vụ Đảng, từ những ngày đấu tranh gian khổ và hào hùng. Trong giờ phút đau thương, tôi và gia đình xin gửi đến toàn thể gia quyến và bà con thân thuộc đ.c. Điền lời thương tiếc vô hạn và lời chia buồn thống thiết nhất. Đ.c. Điền ra đi là một mất mát lớn cho các đ.c. và bạn bè thân hữu. Đ.c. Điền để lại một tấm gương sáng cho các thế hệ phụ nữ chúng ta.
          Tôi nhớ mãi hình ảnh chị Điền (chị Thiện)
          Hà Nội 24/6/96.”
         
Trước đó 5 năm, năm 1991, bà Đỗ Đình Thiện đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.



[1] Chiến sỹ cách mạng, chết tại nhà tù Sơn La
[2] tức là bị bắt đi tù.
[3] Ban Tài chính Quản trị Trung ương, Biên niên sử  Hoạt động tài chính của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2000.
[4] Xin xem Hồi ký của bà Đỗ Đình Thiện, Phần III cùng sách này.
[5] Bộ Tài chính, 60 năm Tài chính Việt Nam 1945-2005 (Lưu hành nội bộ), Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội, tháng 8-2005.
[6] Dân chủ, 18-9-1945.
[7] Quốc hội, số 3, Thứ tư ngày 19-12-1945.
[8] Cứu quốc (Cơ quan Tuyên-truyền Tranh-đấu của Tổng-bộ Việt Minh) ,số 18, Thứ 7 ngày 5-1-1946,
[9] Đào Văn Sử, Chuyện 60 năm trước Tết này mới kể, Quân đội Nhân dân, Xuân Bính tuất 2006.
[10] Trưởng ban tổ chức “Lễ Độc lập” 2-9-1945.
[11] Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch bốn tháng ở Pháp (22-6-1946-17-9-1946), Đỗ Đình Thiện ghi, xem Phần III cùng sách này.
[12] Nhật ký làm việc …, đ.d.
[13] Trở về với Tổ quốc kính yêu, Hồi ký của GS. Trần Đại Nghĩa, Báo Lao động, số 74/93(3893), ngày 16-9-1993.
[14] Nhật ký làm việc…, đ.d.
[15] Lê Văn Hiến, Nhật ký của một bộ trưởng, Tập I, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1995, Tái bản lần thứ nhất, 2004.
[16] 60 năm Tài chính Việt Nam,  s. đ. d.
[17] Lê Văn Hiến, Năm đầu tiên của giấy bạc cụ Hồ, Tạp chí Thị trường và Giá cả, số 6, 1991, trang 24.
[18] Nhật ký của một bộ trưởng, s.đ.d.
[19] Nhật ký của một bộ trưởng, s.đ.d.
[20] Nhật ký của một bộ trưởng, s.đ.d.
[21] Ông Thiện bắt trước lời Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên Nguyễn Hoàng: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”
[22] Gia đình ông bà  Lê Văn Hiền, bạn, đồng chí và cộng sự của ông bà Đỗ Đình Thiện, sống chung với gia đinh Đỗ Đình Thiện tại đồn điền Chinê, và cả những năm đầu kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc. Ông Lê Văn Hiền là đảng viên cộng sản, tham gia hoạt động cách mạng, đã từng bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La. Gia đình Lê Văn Hiền là một cơ sở cách mạng ở Hải Phòng.
[23] Bí danh này do anh em trong cơ quan đặt cho ông Thiện. Chữ Hai nghĩa là anh thứ hai (sau anh Cả -Nguyễn Lương Bằng). Chữ Chi nghĩa là Chinê.
[24] Thanh Đạm, Tìm hiểu lịch sử một xí nghiêp (Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo), Nhà xuất bản Lao Động, 1979.
[25] giao thông - BT
[26] Tên khai sinh do ông bà Thiện đặt là Đỗ Thanh Niên (nghĩa là tuổi trẻ), một lần đến chơi, Bác Hồ đã gợi ý đổi thành Đỗ Thanh Liên (nghĩa là hoa sen xanh) cho hợp hơn với tên con gái.
[27] Người con gái cả Đỗ Thanh Liên là kỹ sư luyện kim, con gái thứ hai Đỗ Kim Anh  là kỹ sư dệt, con gái thứ ba Đỗ Thiên Hương là bác sỹ y khoa, còn con trai út Đỗ Long Vân sau này là Giáo sư Tiến sỹ khoa học về Toán học.

[28] Những năm sau đó, cháu Đỗ Thiên Hương thường hay được Bác Hồ cho đón lên chơi nơi Bác ở. Phải chăng đó cũng là một “thông điệp” về tình cảm đặc biệt của Bác đối với gia đình Đỗ Đình Thiện?

[29] đồng chí - BT
         


[1] Ông Đỗ Viết Dung là kỹ sư  đường sắt, ông Đỗ Văn Tùng là kỹ sư  đường bộ ( từ thời Pháp), bà Đỗ Thị Hiên là thương gia.


6 nhận xét:

  1. Chào Kim Hoa!
    Hôm nay khi đọc một bài viết kỷ niệm nhà máy in tiền của VN, tôi đã biết đến cụ Đỗ Đình Thiện và đã lên mạng tìm hiểu thông tin và vào được Blog này.
    Thật vô cùng ngưỡng mộ và xúc động khi đọc xong bài viết này. Một vĩ nhân như vậy nhưng tôi thật tiếc vì đến bây giờ mới đc biết đến. Sống trong thời đại này nhưng tôi luôn luôn ghi nhớ, biết ơn và ngưỡng mộ gia đình cụ Thiện.
    Cảm ơn Kim Hoa nhé!
    Kim Hoa chắc là hậu duệ của cụ Thiện phải không?

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Kim Hoa nhé! thực ra mình cũng biết đến bài này vì tò mò từ một bài đăng giới thiệu về nhà máy in tiền đầu tiên ở Việt Nam, mình cũng là người họ Đỗ, qua bài này mình cảm thấy tự hào lắm! xin chúc Hoa một ngày làm việc vui và hiệu quả nhé!

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn người viết. Tình cờ cầm cuốn ngữ văn lớp 5 đọc thấy nhắc đến cụ. Không khỏi tò mò về cụ mình đã vào google để đọc và hiểu được nhưỡng con người vĩ đại

    Trả lờiXóa
  4. 1 vĩ nhân ko gặp thời. Ngưỡng mộ cụ lắm ạ.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi muốn liên lạc với tác giả để tìm hiểu rõ hơn về NTS Đỗ Đình Thiện.

    Trả lờiXóa
  6. Đọc bài viết của chị về ông thì mình cho rằng ông không theo con đường mac xít lê nin.
    Ông đã sớm nhận sự bất cập của cncs.

    Trả lờiXóa