Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà

Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà Blog này, nơi Lưu giữ những bài viết về Cụ Đỗ Đình Thiện- Trịnh Thị Điền

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

NĂM MỚI KỂ VỀ CÂU CHUYỆN KHÔNG CŨ


Trang Thu
(Tạp chí Ngân hàng số 1+2, 2000)

Đây gần như là một câu chuyện cổ tích về những con người Hà Nội xưa mà nếu như không đặt mình vào khung cảnh hào hùng trong những năm tháng kháng chiến sục sôi của dân tộc thì có lẽ chúng ta không thể nào hiểu được những cống hiến quên mình đến mức khó tin của họ. Bước sang thế kỷ XXI, liệu những thế hệ sau có còn biết trân trọng những kỷ niệm cũ hay là để những con người, hình ảnh, sự kiện của quá khứ chìm sâu trong các kho tư liệu và nghiễm nhiên an hưởng cuộc sống mà không chút băn khoăn, xem thế hệ trước không hy sinh nhiều đến thế thì cuộc sống ấy liệu sẽ đi về đâu?
Nhân dịp kỷ niệm 51 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đặc san “Công an nhân dân” (Bộ Công an) đã viết: “Ở Hà Nội có một cặp vợ chồng mà cuộc sống của họ dường như đã đi vào huyền thoại, bởi những đóng góp tích cực trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tuy họ không cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận mà âm thầm, lặng lẽ, nhưng quyết liệt và táo bạo nhằm góp phần nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng. Cặp vợ chồng ấy chính là cụ Đỗ Đình Thiện (một trong số thư ký đầu tiên của Bác Hồ khi Cách mạng còn trong thời kỳ trứng nước) và cụ bà Trịnh Thị Điền [1].
Tất nhiên, khi ông Đỗ Đình Thiện (1903-1972) và bà Trịnh Thị Điền (1911) tham gia hoạt động cách mạng thì cũng có nghĩa là quên cả sự sống của bản thân, đâu còn những suy tính thiệt hơn nữa. Ông Thiện đã nói với người bạn học Trịnh Đình Cửu trước ngày đi du học là “chứng nào tim tôi còn đập thì máu tôi còn nóng”. Có lẽ đó là câu trả lời giản dị nhất cho những cống hiến to lớn không ngừng nghỉ của hai ông bà đối với Tổ quốc.
Ông Đỗ Đình Thiện là con út trong một gia đình viên chức, mồ côi cha từ lúc 5 tháng tuổi. Thời học sinh, ông học ở trường Hàng Vôi, nhưng vì tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh nên ông bị đuổi học, phải “đổi khai sinh” xuống Nam Định. Ông nuôi chí du ngoại từ rất sớm, nhưng mẹ ông không muốn đểcngwời con út xa nhà nên đã nghĩ ra mẹo hỏi vợ để cầm chân ông. Đã coi mặt 3, 4 đám nhưng ông Thiện đều không ưng. Sau nhờ anh em ông Cát Thành, Cát Tường, thành viên phong trào “Đông Kinh nghĩa thục” giới thiệu cho ông Thiện và bà Điền gặp nhau, ưng thuận rồi làm lễ ăn hỏi. Nhưng không vì thế mà ông thay đổi kế hoạch đi Pháp du học. Đó là năm 1927, bà vừa tròn 16, còn ông mới bước sang tuổi 24.
Ở Pháp, ông Thiện vừa học vừa tham gia hoạt động cách mạng, rồi vào Đảng Cộng sản Pháp. Đã có lúc ông đi học nghề thợ sơn để hưởng ứng chủ trương “vô sản hóa” ở trong nước. Một tờ báo sau này đã đăng mẩu tin “7/10/1931, một sinh viên tòng học năm thứ 3 trường Đại học khoa học ở Tu-lu-dơ bị bắt ở ga Ma-la-bơ-lăng vì tặng bánh mì có truyền đơn nhét vào trong ruột cho binh lính Việt Nam mãn hạn lên tàu về nước. Truyền đơn này xúi giục binh lính khi trở về nước thì bất tuân thượng lệnh và hưởng ứng phong trào cách mạng 19/11/ năm đó, sinh viên ấy bị Tòa án Tu-lu-dơ phạt 4 tháng tù sau khi nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc mình làm, nhưng không chịu khai ai là đồng phạm. Sinh viên ấy, một đảng viên cộng sản, tên là Đỗ Đình Thiện”.
Tuổi thơ của bà Trịnh Thị Điền cũng không hề dễ dàng. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm lên 4, ở với người anh cùng cha khác mẹ, cuộc sống vất vả đã biến bà thành một con người trầm tư, sống nội tâm và đầy nghị lực. Trong khi ông Thiện đang du học ở Pháp thì cô Điền ở trong nước, qua sự giới thiệu của cậu em họ là Ngô Đình Mẫn, bắt đầu tham gia hoạt động ở chi bộ phố Huế của Đảng Tân Việt. Đầu năm 1930, sau khi ba đảng hợp nhất, chủ trương tăng cường gây dựng cơ sở ở Hải Phòng-Hòn Gai là nơi tập trung nhiều công nhân, cô quyết dịnh thoát ly gia đình xuống hoạt động trong tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Hải Phòng. Cô để lại cho người anh một lá thư tỏ ý chán đời muốn đi tu. Anh cô tưởng thật đã cho in ảnh cô nhờ Sở cảnh sát tìm kiếm khắp các chùa chiền.
Tại Hải Phòng, cô bắt liên lạc với ông Nguyễn Tạo, là người cùng hoạt động ở chi bộ phố Huế trước đây. Nhóm hoạt động của cô còn có ông Chức, ông Sáng và 2, 3 công nhân in có nhiệm vụ in tài liệu, làm giấy thuế thân và căn cước giả để các đồng chí đi hoạt động. Cô Điền bán sợi dây chuyền 2 chỉ vàng để mở quán cơm làm địa điểm liên lạc vận động công nhân. Cô cũng thường chuyển tài liệu về Hà Nội, Hòn Gai. Bản thân cô còn phải lo tránh mặt người quen, sợ bị nghi ngờ vì đi tu chùa sao lại lang thang ở Hải Phòng, Quảng Ninh, làm sao tránh khỏi tù tội? Và rồi cô bị tù thật do bị một tên phản bội chỉ điểm. Cô bị thực dân Pháp bắt giam ở Sở cẩm Hải Phòng, sau giải về Sở mật thám Hà Nội. Đoạn đời hoạt động trước đây đã nhiều cơ cực thì đòn tù của Pháp còn kinh hãi hơn đến mức khó có thể tưởng tượng nổi! Nhưng cũng nhờ ở tù mà cô Điền được làm quen với các nhà cách mạng vừa bị bắt ở Thượng Hải về như Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Đỗ Ngọc Du, ... Đồng chí Lê Duẩn cũng gặp ở trong lao và sau này đã có lần nói với con gái cụ Điền: “Mẹ cháu tốt lắm, ở trong tù mẹ cháu còn nhường cơm cho chú đấy!”.
Cuối năm 1931, cô gái Hà Nội 21 tuổi Trịnh Thị Điền đã quyết tuyệt thực một tuần liền để phản đối việc tra tấn dã man và ngược đãi phụ nữ, Sợ cô chết, Pháp phải đưa cô ra điều trị ở nhà thương Phủ Doãn và sau đó đã phải trả tự do cho cô sau 6 tháng giam giữ, chẳng khai được gì.
Ra tù, cô Trịnh Thị Điền lại tiếp tục liên lạc, tiếp tế cho các đồng chí bị tù và đã gửi 2 lưỡi cưa sắt bằng nửa ngoán tay út nhét trong đôi dép dừa để giúp các đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Lương Bằng cùng một số đồng chí khác vượt ngục tại nhà thương Phủ Doãn trong đêm Noel 1931. Trong phong trào Mặt trận Bình dân 1936-1939, cô Điền đã tích cực tham gia vận động phụ nữ đấu tranh công khai, vận động bầu người của Đảng vào Viện Dân biểu, vận động ủng hộ tài chính để in báo Lao động.
Cùng thời gian này, ông Đỗ Đình Thiện bị bắt tại Pháp, phải ngồi tù một thời gian, sau đó bị trục xuất về nước. Bị quản thúc chặt chẽ, nhà cửa thường xuyên bị khám xét, ông bà Đỗ Đình Thiện trở về với công việc đời thường, mở hiệu buôn bán tơ lụa rồi tậu đất, dựng nhà máy, đồn điền. Đến đầu những năm 40 thì ông bà Thiện đã được giới tư sản Hà Nội biết tiếng và kính nể. Ông bà Thiện còn sẵn sàng nhận một số bạn vừa ở tù ra vào làm việc như Vũ Đình Huỳnh làm ở tiệm buôn, Nguyễn Tuấn Thức và Lê Văn Hiền làm ở đồn điền Chinê (Cổ Nghĩa, Hòa Bình). Đây là một đồn điền cà phê lớn ở Chinê, mua lại của một chủ người Pháp năm 1943 với giá 2.000 lượng vàng. Việc nhận các đồng chí vào làm việc, trước hết là để anh em có việc làm, sau là để tiện liên lạc với cách mạng.
Năm 1943, ông Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La, đóng vai một người buôn tơ đến tìm ông Thiện tại 54 Hàng Gai. Ông Bằng cho biết Đảng đang rất khó khăn về tài chính. Bà Điền lên gác mở tủ đưa ông Bằng 3 vạn đồng Đông Dương. Năm 1972, trong một lần tiếp bà Điền tại nhà riêng, đồng chí Trường Chinh có nói: “Khi chúng tôi nhận được số tiền 3 vạn đồng Đông Dương chị gửi cho qua anh Nguyễn Lương Bằng, quĩ Đảng chỉ còn 24 đồng”. Đầu năm 1945, ông bà Thiện lại nhờ ông Vũ Đình Huỳnh chuyển tới ông Nguyễn Lương Bằng 10 vạn đồng Đông Dương nữa. Ông Nguyễn Tạo cũng ghi nhận “Cuối tháng 12/1932, tôi vượt ngục ở Hỏa Lò. Đồng chí Trịnh Thị Điền lại liên lạc với đồng chí Nguyễn Thụy Nhân giúp đỡ tôi. Năm 1943, tôi vượt ngục Ban Mê Thuột ra tới Hà Nội, đồng chí Trịnh Thị Điền lại liên lạc, cho tôi 2 vạn đồng Đông Dương để tổ chức hoạt động cách mạng.”
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà riêng ông bà Thiện ở 54 Hàng Gai trở thành “nhà khách” của Chính phủ. Các phái đoàn Nam bộ, Phụ nữ Nam bộ, ... đều đã qua đây nghỉ ngơi, ăn uống, may quần áo. Bác cũng đã mời cơm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại đây. Bà Điền còn được giao tổ chức tiệc ở phố Nguyễn Du để Bác tiếp các tướng Tiêu Văn, Lư Hán. Ông Thiện khi ấy được cử phụ trách “Quĩ độc lập” trung ương và đã góp vào quĩ này 10 vạn đồng Đông Dương (trị giá 4kg vàng). Trong tuần lễ vàng, ông bà Thiện lại ủng hộ 4kg nữa.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông với tư cách là phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Hoàn Kiếm, bà phụ trách tiếp tế cứu thương, đã cùng tự vệ thành chiến đấu bảo vệ thủ đô trong 10 ngày đêm, sau đưa hơn 300 cán bộ, nhân dân bí mật theo đường Chèm rút ra vùng tự do. Những ngày đầu kháng chiến, đồn điền Chinê của ông bà Đỗ Đình Thiện trở thành “binh trạm” của Việt Minh, là nơi qua lại, dừng chân của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước trên đường lên chiến khu Việt Bắc, là nơi dưỡng sức của nhiều đoàn quân trước khi ra mặt trận. Bác Hồ cũng đã qua lại nơi đây nhiều lần. Vụ lúa thu 1946-1947, ông bà Thiện đã ủng hộ Vệ quốc đoàn Chiến khu Hai khoảng 200 tấn thóc. Trong thư đề ngày 21/1/1947, khu trưởng Hoàng Sâm và chính trị viên Lê Hiến Mai gửi ông Đỗ Đình Thiện đã viết “Toàn thể bộ đội Khu Hai rất cảm động được Ngài ủng hộ vụ lúa thu trong quí đồn điền năm 1946 và 1947. Vậy nhân danh Bộ chỉ huy tối cao chiến Khu Hai, chúng tôi xin thay mặt toàn thể bộ đội trân trọng gửi Ngài lời cảm ơn. Với lòng tha thiết của Ngài trong công cuộc kháng chiến hiện nay, toàn thể bộ đội Khu Hai xin hứa luôn luôn nỗ lực chiến đấu, quyết hợp lực cùng toàn dân phá tan kế hoạch mùa đông của địch, để xứng với nhiệt tình Ngài đã giành cho”[1].
Giữa năm 1946, ông Đỗ Đình Thiện, trong cương vị thư ký riêng, đã tháp tùng Bác trong chuyến ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tại sân bay Gia Lâm, khi máy bay cất cánh, mẹ ông đã không cầm được nước mắt, có lẽ vì cụ hiểu rõ tầm quan trọng cũng như những nguy hiểm có thể đến trong chuyến đi này. Và trong thời gian ở Pháp, khi tháp tùng Bác đi thăm Nooc-măng-đi cùng với Sanh-tơ-ni, ông đã bị tai nạn ôtô rất nặng, nhưng may mắn thoát chết. Về vụ tai nạn này, một số tờ báo Pháp lúc bấy giờ đã đặt dấu hỏi: “Phải chăng đây là một vụ mưu sát trượt Chủ tịch Hồ Chí Minh?”.
Sau cách mạng Tháng Tám, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, ông Đỗ Đình Thiện đã đứng tên và bỏ tiền ra mua lại nhà in Tô-panh của Pháp (vì người Pháp không chịu bán cho Chính phủ ta) và hiến cho Chính phủ ta để lập nhà in tiền. Trước âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa của giặc Pháp, để bảo vệ an toàn cho việc in tiền, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra lệnh tháo dỡ, vận chuyển toàn bộ máy móc về tổ chức in tiền tại đồn điền Chinê. Ông bà Đỗ Đình Thiện đã dành một địa điểm thích hợp tại đó, đồng thời cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước của đồn điền Chinê để đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do ông Phạm Quang Chức phụ trách. Tại đây, tờ giấy bạc “con trâu xanh” 100 đồng ra đời [1].
Ngày 22/2/1947, Bác Hồ về thăm nhà máy tại Chinê. Sau khi thăm nơi sản xuất, chỗ ăn ở của công nhân, Bác căn dặn “Người công nhân là người cách mạng nhất, các chú là người công nhân phải sống và làm việc gương mẫu, các chú phải giữ gìn phẩm chất của người cách mạng. Hiện nay kẻ thù của ta đang tìm các cơ sở kháng chiến như nhà máy này để đánh phá. Các chú phải giữ gìn bí mật. Trong lao động các chú phải đoàn kết thương yêu nhau” [2].
Đánh hơi thấy sự di chuyển của ta, quân Pháp ra sức lùng sục. Ngày 22/2/1947, 8 máy bay khu trục Pháp chia làm 2 tốp quần đảo, oanh tạc đồn điền Chinê. Tám quả bom đã rơi đúng vào khu vực kho cà phê, lửa cháy suốt ba tháng ròng không dập tắt nổi, nhưng toàn bộ máy móc in được để trong một hang đá trong khu vực đồn điền thì vẫn an toàn. Nhận được tin, Bác Hồ đã gửi thiếp thăm hỏi: “Chú thím Thiện, được tin chú thím, nhà Hiền** và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải, không sợ (còn trời, còn nước, còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ), kháng chiến thành công ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng” [1].
Sau trận bom đó, ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình gồm mẹ già và 4 con (nhỏ nhất 4 tuổi và lớn nhất mới 12 tuổi) lên Việt Bắc, theo đuổi cuộc kháng chiến 9 năm. Ông Đỗ Đình Thiện cũng đeo ba lô, cùng trèo đèo, lội suối cùng anh em công nhân để xây dựng nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy cơ khí đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc. Ông bà cũng đóng góp gần nửa cổ phần để xây dựng Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).
Cụ Điền khi kể về người chồng đã khuất của mình (ông mất ngày 1/1/1972, thọ 69 tuổi) đã nói “Ông tôi làm giám đốc nhưng không hưởng lương. Ông bảo hưởng lương khó làm việc lắm, không lương dễ nói hơn. Trong kháng chiến ông tôi không nhận lương, hòa bình rồi, làm ủy viên trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng không có lương. Cho đến lúc ốm, vào nằm ở bệnh viện Việt Xô, bệnh viện lúng túng chả biết xếp vào tiêu chuẩn nào...”. Suốt cả thời bao cấp, cụ Thiện chỉ hưởng bìa “N”, thứ tem phiếu dành cho dân thường, mỗi tháng được mua một lạng đường và một lạng thịt”[3].
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng tấm lòng cao cả, tận trung với Tổ quốc, với dân tộc của ông bà Đỗ Đình Thiện vẫn luôn còn đó. Một người bạn đã khấn trước vong linh ông rằng: “Giàu không bỏ bạn, nghèo không bỏ bạn. Gian nan vẫn thủy chung với bạn! suốt một đời chúng tôi theo học cái nghĩa tình trước sau như nhất của Anh”[3].
---
1)    Viện Bảo tàng Cách mạng.
2)    Gia đình ông Đỗ Long Vân
3)    (1)-Đặc san Công an nhân dân; (2)-Tư liệu của nhà in Ngân hàng; (3)-Báo Quân đội nhân dân số 12010, ngày 24/1/1995.
** Vừa là bạn, vừa là người cộng sự của ông bà Thiện.

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

MỘT NHÀ TƯ SẢN TÂM PHÚC

Cao Lan Anh 
(Thời báo ngân hàng số 46, 9-15/11/1995)

LTS: Không ai có thể quên được công lao của các nhân sĩ, các nhà tư sản yêu nước đã hiến trọn cả đời mình, cả tài sản cho cách mạng. Lịch sử ngành in mãi mãi ghi nhận cống hiến của các nhà tư sản Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền; Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ; Ngô Tử Hạ, những người “xây nền, đắp móng” cho Nhà in Ngân hàng (tiền thân là Cơ quan ấn loát in tiền Bộ Tài chính).
          Hồi ấy, căn nhà số 54 – Hàng Gai có hiệu Cát Lợi vốn là cửa hàng bán tơ lụa nổi tiếng của gia đình nhà tư sản Đỗ Đình Thiện, ở đất Hà Thành. Không ngờ trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, nơi đây trở thành chỗ qua lại tin cẩn của các vị lãnh tụ. Cụ Trịnh Thị Điền (tức cụ bà Đỗ Đình Thiện) kể lại: Vào một ngày cuối thu năm 1945, lần đầu tiên bà được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hôm đó Người cùng Bác Cả (tức ông Nguyễn Lương Bằng) tới thăm. Sau lời giới thiệu của Bác Cả, Người cười thân mật, hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện làm ăn như đã quen biết từ lâu. Người còn biết, bà có tiệm buôn tơ lụa ở Hà Nội, nhà máy dệt ở Gia Lâm, cả đồn điền cà phê lớn ở Chinê (Hòa Bình) mua lại của một chủ người Pháp năm 1943 với giá 2.000 lượng vàng.
Sau đó không lâu, tháng 5-1946 Bác Cả lại đến 54 Hàng Gai thông báo: Hồ Chủ tịch muốn mời ông Đỗ Đình Thiện tháp tùng Ngày đi Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-bơ-lô với tư cách là thư ký riêng. Bác Cả có nói với ông Thiện: “Nếu anh tìm được người đủ tin cậy thay anh thì anh có thể ở lại”. Và thế là ông Đỗ Đình Thiện nhận lời.
Không phải đến lúc này ông Đỗ Đình Thiện và bà Trịnh Thị Điền, những nhân sĩ yêu nước, những nhà tư sản dân tộc mới biết đến cách mạng mà từ những năm 30-31 cả hai cụ đã tham gia hoạt động bí mật. Cụ bà kể lại: năm 1930 theo yêu cầu của tổ chức (bà Nguyễn Thị Minh Khai và bà Phụ), bà xuống Hải Phòng hoạt động để gay dựng cơ sở. Đến năm 1931, bà bị địch bắt, giam chung với các ông Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Đỗ Ngọc Du, Lê Duẩn ...
Cách mạng tháng Tám thành công, căn nhà 54 Hàng Gai thành “nhà khách” của Chính phủ, các phái đoàn Nam Bộ, Phụ nữ Nam Bộ... đều đã qua đây. Lúc này ông Đỗ Đình Thiện được cử phụ trách “Quỹ độc lập” trung ương. Ông đã đóng góp vào quỹ này mười vạn đồng tiền Đông Dương (trị giá 4kg vàng). Sau đó, trong “Tuần lễ vàng” ông bà Thiện lại ủng hộ 4kg nữa. Những đóng góp cụ thể cho nền tài chính cách mạng, cho sự nghiệp in tiền Chính phủ và cho ngành Ngân hàng của ông bà Thiện được bắt đầu từ đây.
Ngoài việc cùng với các nhà tư sản Trịnh Văn Bô và các nhân sỹ khác xây dựng Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam) – ông bà Thiện đã tham gia gần nửa cổ phần – theo đề nghị của ông Nguyễn Lương Bằng, ông bà Thiện đã đứng tên mua lại nhà in Tô Panh làm cơ sở in bạc cho Cơ quan ấn loát Bộ Tài chính. Khi đó chỉ có nhà in Tô Panh mới có hệ thống máy móc từ máy chụp ảnh, hệ thống máy đánh kẽm, buồng phơi, máy in thử và máy ốp sét... và máy li-nô-típ đúc chữ, số, khuôn bạc để in trên máy Vich-tô-ria và elby. Sau khi mua được nhà máy, Chính phủ đã cho di chuyển toàn bộ máy móc thiết bị lên đồn điền Đỗ Đình Thiện ở Chinê (Cỗ Nghĩa, huyện Lạc Thủy – Hòa Bình).
Đánh hơi thấy sự di chuyển của ta, quân Pháp ra sức lùng sục, hòng phá hoại cơ đồ cách mạng. Ngày 22-2-1947, tám máy bay khu trục Pháp chia làm hai tốp quần đảo, oanh tạc đồn điền Đỗ Đình Thiện (rộng 9km, dài 13km). Tám quả bom đã rơi đúng vào khu vực kho cà phê, lửa cháy ngút trời suốt ba tháng ròng không dập tắt nổi. May thay, toàn bộ máy móc in được để trong một hang đá (trong khu vực đồn điền) vẫn an toàn. Nhận được tin này, Hồ Chủ tịch đã gửi một tấm thiếp thăm hỏi: “Chú thím Thiện. Được tin chú thím, nhà Hiền (là bạn, đồng thời là người giúp việc cho ông bà Thiện – TG) và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải, không sợ (Còn trời, còn nước, còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ) kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng”.
Sau trận càn đó, cả gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện cùng anh em công nhân lại ba lô trên vai, trèo đèo lội suối, đưa máy móc lên vùng tự do Chiêm Hóa (Tuyên Quang) xây dựng nhà in, để lại đồn điền với hàng ngàn gốc cà phê, hàng ngàn gia súc cho chính quyền địa phương và các đơn vị bộ đội quản lý.
Đã 50 năm trôi qua, kể từ ngày Cơ sở in ấn loát Bộ Tài chính được thành lập, đến nay Nhà in Ngân hàng đã trưởng thành, nhưng tấm lòng cao cả vì nghĩa lớn của ông bà Đỗ Đình Thiện vẫn là tấm gương sáng không bao giờ bị phai mờ về một lòng tận trung với nước với dân tộc. Ông Đỗ Đình Thiện đã qua đời ở tuổi 69 (năm 1972), ông không được cùng bà (bà Trịnh Thị Điền năm nay 84 tuổi đang bị bệnh nặng) chứng kiến ngày thăng hoa của cách mạng trên con đường đổi mới. Nhưng những tư tưởng và việc làm của “nhà tư sản của cách mạng” Đỗ Đình Thiện thật xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng của nhân dân, như lời khấn của một người bạn hữu trước vong linh ông: “Giàu không bỏ bạn, nghèo không bỏ bạn. Gian nan vẫn thủy chung với bạn! Suốt một đời chúng tôi theo học cái nghĩa tình trước sau như nhất của Anh”.
Hà Nội 11-1995

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

CÁCH MẠNG VIỆT NAM CÓ NHỮNG NGƯỜI NHƯ THẾ


Khuất Biên Hòa
(Phụ nữ Việt Nam, 31-8-1995)

Trên đời này, có những sự việc chỉ cần thoáng qua đã có thể hiểu được, khẳng định được nó là thế nào. Nhưng cũng có nhiều hiện tượng, nhiều con người mà nếu chỉ dùng một “cặp kính” quen thuộc, một hệ quy chiếu giản đơn thì khó có thể lý giải nổi. Cuộc đời ông bà Đỗ Đình Thiện là một trường hợp như thế. Nếu đứng trên quan điểm cách mạng thì ông Đỗ Đình Thiện và bà Trịnh Thị Điền, vợ ông, đều là đảng viên cộng sản. Ông Thiện tham gia Đảng Cộng sản Pháp từ trước năm 1930, còn bà Điền là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cả hai người đều đã từng bị tù đế quốc. Nhưng nếu nhìn từ góc độ kinh tế thì ông bà Thiện lại là nhà tư sản, tư sản “cỡ bự” của Hà Nội thời thuộc Pháp. Chỉ có điều, khác với nhiều nhà tư sản cùng thời, ông bà Thiện làm giàu không chỉ vì lợi ích riêng mà còn phụng sự cho sự nghiệp chung của dân tộc, đặc biệt trong những lúc cách mạng gặp nhiều khó khăn. Sự cống hiến của ông bà Thiện cho cách mạng thật to lớn, cuộc đời ông bà phong phú, trong sáng và đẹp như một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh. Bởi vậy một trang báo nhỏ này không thể nói hết được. Nhưng trong không khí cả nước tưng bừng và trang trọng kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám lịch sử, với tinh thần tìn về cội nguồn, trân trọng quá khứ, người viết bài này chỉ xin phác họa đôi nét để bạn đọc tham khảo.
Ngày 30 tháng 5 năm 1946, tại trường bay Gia Lâm diễn ra một cuộc tiễn đưa với nghi thức trọng thể, nhưng bao trùm một bầu không khí chính trị căng thẳng. Đó là cuộc tiễn Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp với tư cách “thượng khách” của Chính phủ Pháp, và tiễn phái đoàn Chính phủ Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu đi dự cuộc đàm phán Việt – Pháp tại Paris. Tháp tùng Hồ Chủ tịch trong chuyến đi ngoại giao đầu tiên của Người nhằm cứu vãn hòa bình ở Việt Nam có ông Đỗ Đình Thiện, thư ký riêng của Chủ tịch, và một đại tá cận vệ. Chẳng hiểu người Pháp nghĩ gì khi thấy ông Đỗ Đình Thiện lại xuất hiện trên đất Pháp, người mà hai mươi năm về trước, khi còn là sinh viên năm thứ ba Đại học Khoa học, đã hiên ngang tự bào chữa trước toàn án Toulouse về những “hành vi chống đối chính phủ Pháp” ngay tại “chính quốc”, và đã bị người Pháp bỏ tù và trục xuất về nước?!
Ông Đỗ Đình Thiện là con út trong một gia đình viên chức ở Hà Nội. Ông mồ côi cha khi mới tròn 5 tháng. Mẹ ông ở vậy năm ba mươi tuổi tần tảo nuôi con. Hai anh ông Thiện là kỹ sư hỏa xa và kỹ sư công chính. Hồi nhỏ ông Thiện học trường Hàng Vôi. Sau khi bị đuổi học vì tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, ông đổi khai sinh xuống Nam Định học tiếp. Ông Thiện có ý muốn du ngoại từ sớm. Mẹ ông không muốn xa con nên “bày kế” hỏi vợ để “giữ chân”. Do mai mối, ông Thiện làm quen với cô gái 16 tuổi Trịnh Thị Điền, và hai người có cảm tình với nhau ngay từ lần gặp đầu tiên. Lễ ăn hỏi được tổ chức, nhưng rồi ông Thiện vẫn quyết chí ra đi, để lại nơi quê nhà người mẹ muôn vàn thương yêu và người vợ trẻ chưa cưới. Đó là vào năm 1927, ông Thiện bước sang tuổi 24.
Tại Pháp, người thanh niên giàu nhiệt huyết Đỗ Đình Thiện có điều kiện tiếp xúc với những trào lưu tư tưởng khác nhau. Anh sớm nhận ra sự khác biệt giữa lý tưởng cao đẹp Tự do – Bình đẳng – Bác ái với chế độ thuộc địa mà người Pháp thiết lập ở Việt Nam. Ngoài học tập, anh hăng hái tham gia các sinh hoạt chính trị như diễn thuyết, mít tinh, biểu tình. Rồi anh gia nhập đảng Cộng sản Pháp, vận động cho sự nghiệp giành độc lập và giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Anh đã được Đảng Cộng sản Pháp cử sang Matxcơva một thời gian, và tại trường Phương Đông anh đã gặp Lê Hồng Phong, Bùi Công Trừng ... Trong những lần tham gia biểu tình, anh Thiện được các đồng chí Pháp bảo vệ rất cẩn thận, họ nói: “Nếu chúng tôi bị bắt thì tù nhẹ thôi, còn với anh thì sẽ nặng hơn nhiều”.
Ở trong nước, cô gái Hà Nội Trịnh Thị Điền, qua giới thiệu của người em họ là ông Ngô Đình  Mẫn, bắt đầu tham gia hoạt động ở chi bộ Phố Huế của Đảng Tân Việt, trong đó có các ông Nguyễn Tạo, Nguyễn Tuấn Thức ... Đầu năm 1930, sau khi ba đảng hợp nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương, chị Minh Khai và chị Phụ đến nhà riêng cô Điền ở 41 Hàng Mắm gợi ý cô thoát ly xuống hoạt động ở Hải Phòng vì Đảng chủ trương tăng cường xây dựng cơ sở trong công nhân. Thế là cô Điền quyết định ra đi nhận nhiệm vụ. Mồ côi cha mẹ từ năm bốn tuổi, từ bé cô Điền sống với người anh cùng cha khác mẹ. Trước khi đi, cô để lại cho anh một lá thư ý nói chán đời bỏ đi tu. Anh cô rất thương em, tưởng đó là sự thật nên đã cho in ảnh cô nhờ cảnh sát tìm kiếm.
Xuống Hải Phòng, tới địa điểm đã hẹn ở đường Cầu Đất, cô Điền bắt liên lạc với ông Nguyễn Tạo, người cùng hoạt động trong chị bộ phố Huế trước đây. Nhóm cô có nhiệm vụ in tài liệu, làm giấy thuế thân và căn cước giả để các đồng chí mình đi hoạt động. Mang theo sợi dây chuyền hai chỉ vàng, cô bán đi lấy tiền mở quán cơm làm địa điểm liên lạc và vận động công nhân. Về tài chính, lúc bấy giờ eo hẹp lắm, một mình ông Dựt đi làm công chức nuôi cả nhóm hoạt động. Những chuyến chuyển tài liệu, vũ khí về Hà Nội hoặc ra Hòn Gai cô Điền sợ nhất là bị người quen “phát hiện”. Đi trên tầu biển cô thường đứng ở mép tầu để phòng có động tĩnh gì thì liệng tài liệu, vũ khí xuống biển phi tang. Cẩn trọng vậy mà rồi cô cũng bị bắt vì có phản bội chỉ điểm. Thế là cô “nếm đủ đòn tù” từ Sở cẩm Hải Phòng đến nhà lao Sở mật thám Hà Nội. Nhưng cũng chính tại đây cô đã có dịp làm quen với các nhà cáh mạng Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Đỗ Ngọc Du ... vừa bị bắt từ Thượng Hải về, và quen biết đồng chí Lê Duẩn ở trong lao. Sau này đồng chí Lê Duẩn còn nhắc lại với con bà Điền: “Mẹ cháu tốt lắm! trong tù, khi chú bị đánh đập tra tấn mẹ cháu đã tận tình chăm sóc, còn giặt quần áo cho chú nữa!”. Cuối năm 1931, cô gái 20 tuổi Trịnh Thị Điền (người mang số tù 168834) đã kiên quyết tuyệt thực một tuần liền để phản đối việc tra tấn dã man và ngược đãi đối với tù nhân nữ. Họ phải đưa cô ra nhà thương Phủ Doãn điều dưỡng, và sau đó, vì không đủ bằng cớ để kết án, phải trả tự do cho cô. Khi cô Điền nằm điều trị ở nhà thương Phủ Doãn, các ông Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo ... cũng bị giam trong khu tù của bệnh viện. Khi được tha, cô Điền đã tìm cách gửi vào hai lưỡi cưa sắt để giúp nhóm này vượt ngục vào đêm Noel 1931.
Cùng khoảng thời gian ấy, ông Thiện bị cảnh sát Pháp bắt tại ga xe lửa Toulouse trong khi mang truyền đơn phát cho binh lính Việt Nam mãn hạn trên đường về nước. Ông Thiện bị tòa án Toulouse xử bốn tháng tù giam và trục xuất về nước.
Ra tù, ông bà Thiện vẫn bị quản thúc chặt chẽ, nhà cửa bị kiểm soát gắt gao, nhất là những ngày lễ như 1 tháng 5. Tuy được đoàn tụ,  trong lòng cặp vợ chồng trẻ mới cưới vẫn không nguôi tinh thần cách mạng, chỉ có điều bây giờ họ phải tìm ra cách hoạt động riêng phù hợp với hoàn cảnh của mình. Quá trình tham gia hoạt động khiến ông bà Thiện hiểu rằng chỉ có tinh thần chưa đủ, Đảng cũng cần có tiền để tổ chức hoạt động cách mạng: “Một thế lực vật chất chỉ có thể đánh đổ bằng một lực lượng vật chất”. Với ý nghĩ đó ông bà Thiện trở về với công việc làm ăn đời thường. Trong thời kỳ Mặt trận bình dân 1936 – 1939 ông bà Thiện đã ủng hộ tiền và hoạt động cho báo Le Travail, tham gia vận động bầu người của Đảng vào Viện dân biểu. Đến đầu những năm 40 thì ông bà Thiện đã được giới tư sản Hà Nội biết tiếng và kính nể. Có lẽ không chỉ vì khả năng giao tiếp và nhậy bén trong kinh doanh, cũng không chỉ vì mới sau ít năm ông bà Thiện đã là chủ của một tài sản lớn (tiệm buôn tơ ở Hàng Gai, nhà máy dệt ở Gia Lâm, và đồn điền cà phê ở Chinê rộng 9km, dài 13km, trị giá tới hai ngàn lượng vàng ...), mà chủ yếu là vì cái tâm và tấm lòng hào hiệp “rất người” của hai nhà tư sản trẻ tuổi này: họ giúp đỡ bạn bè, đồng chí thật tận tình và vô tư.
Vượt ngục Sơn La năm 1943, ông Nguyễn Lương Bằng đóng giả một người buôn tơ đến nhà riêng ông bà Thiện ở 54 Hàng Gai. Được ông Bằng cho biết Đảng đang rất khó khăn về tài chính để tổ chức hoạt động, bà Thiện đã đưa ông Bằng ba vạn đồng Đong Dương để góp phần vào quỹ Đảng. Nhắc lại sự kiện trên, đồng chí Trường Chinh nói: “Khi nhận được ba vạn đồng Đông Dương chị gửi cho qua anh Nguyễn Lương Bằng, quỹ Đảng chỉ còn hai mươi bốn đồng”. Ông Nguyễn Tạo viết: “Cuối tháng 12-1932 tôi vượt ngục Hỏa Lò, đồng chí Trịnh Thị Điền liên lạc với đồng chí Nguyễn Thụy Nhâm giúp đỡ tôi. Năm 1943 tôi vượt ngục Ban Mê Thuột ra tới Hà Nội, đồng chí Trịnh Thị Điền lại liên lạc, cho tôi hai vạn đồng Đông Dương để tổ chức hoạt động cách mạng”. Đầu năm 1945 ông bà Thiện lại chuyển đến ông Nguyễn Lương Bằng mười vạn đồng Đông Dương nữa.
Lần đầu gặp Bác vào một ngày thu năm ấy (do ông Nguyễn Lương Bằng giới thiệu) mãi mãi là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời ông bà Thiện. Sự giản dị, thân mật và sức hấp dẫn của Bác đã nhanh chóng cảm hóa ông bà, và cũng từ đấy gia đình ông bà trở thành chỗ thân thiết, tin cậy của Người.
Cách mạng tháng Tám thành công, nhà riêng ông bà Thiện ở 54 Hàng Gai đã biến thành một “nhà khách Chính phủ”, lúc nào cũng nườm nượp khách. Khách từ Việt Bắc xuống, từ Nam Bộ ra, ăn uống, nghỉ ngơi, may mặc bằng vải do nhà máy Gia Lâm của nhà dệt. Bác cũng đã qua lại, tiếp khách và nghỉ tại đây. Được Bác giao làm tiệc ở 58 Nguyễn Du để Bác tiếp các tướng Tiêu Văn và Lư Hán bà Thiện đã lo rất chu tất. Bà Lê Thị Thanh(*) (người được phân công chăm lo sinh hoạt cho Bác) vẫn còn nhớ rằng bộ ka-ki Bác mặc hôm đọc tuyên ngôn Độc lập là do bà Thiện may cho Bác.
Buổi đầu xây dựng, nhà nước non trẻ còn nhiều khó khăn, Quỹ Độc Lập được lập ra để kêu gọi nhân dân đóng góp tiền của cho Chính phủ. Ông Thiện được cử phụ trách Quỹ Độc Lập trung ương (Quyết định bổ nhiệm nay trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh). Bản thân ông bà Thiện đã ủng hộ quỹ này mười vạn đồng Đông Dương (trị giá khoảng 4kg vàng). Trong tuần lễ vàng do Bác Hồ phát động, ông bà Thiện lại đóng góp 4kg vàng nữa. Một tờ báo thời ấy đã đăng mẩu tin sau đây: “Ngày 7-10-1931, một sinh viên tòng học năm thứ ba Đại học khoa học ở Toulouse bị bắt ở ga Mâtblan vì tặng bánh mì có truyền đơn nhét vào trong ruột cho binh lính Việt Nam mãn hạn lên tàu về nước. Truyền đơn này xúi giục binh lính khi trở về nước thì bất tuân thượng lệnh và hưởng ứng phong trào cách mạng. Ngày 19-11 năm đó, sinh viên ấy bị tòa án Toulouse phạt bốn tháng tù, sau khi nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc mình làm, nhưng không chịu khai ai là đồng phạm. Sinh viên ấy, một đảng viên cộng sản, tên là Đỗ Đình Thiện, người mà ai nấy đều biết tiếng về Tuần lễ vàng vừa rồi”. Bà Lê Thị Thanh thường nói: “Bà Thiện vận động quần chúng rất giỏi. Trong Tuần lễ vàng, Bà vận động được nhiều nhà giàu đóng góp cho Chính phủ ...”. Bà Thiện là một trong những sáng lập viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: cùng với bà Lê Thị Xuyến và bà Thục Viên, bà Thiện được Bác Hồ giao nhiệm vụ vận động thành lập Hội (Bà Thiện là ủy viên trung ương Hội từ khi thành lập đến năm 1955). Có một lần, để biểu thị niềm tin yêu của nhân dân đối với lãnh tụ, thành phố Hà Nội tổ chức bán đấu giá bức chân dung Bác Hồ của họa sỹ Nguyễn Sáng. Ông Đỗ Đình Thiện đã trả giá cao nhất, và ngay sau đó tuyên bố tặng bức tranh này cho UBHC thành phố. Thế là cuộc bán đấu giá biến thành một đám rước chân dung Hồ Chủ tịch về treo tại Trụ sở Ủy ban.
Cuộc đàm phán Việt – Pháp tại Fontainebleau không đạt được kết quả. Phái đoàn Việt Nam về nước. Bác lưu lại Paris thêm một thời gian để tiếp tục vận động cho hòa bình ở Việt Nam. Cuốn nhật ký làm việc của Bác do ông Đỗ Đình Thiện ghi, nay lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng, cho thấy trong thời gian này Bác đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc với đại sứ các nước lớn, các danh nhân văn hóa, các nhà khoa học ... để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của họ. Và cuối cùng, để “kéo dài” những ngày hòa bình quý báu nhằm có thêm thời gian chuẩn bị, Bác đã ký với Pháp bản Tạm ước 14-9-1946.
Tình hình trong nước ngày một xấu đi do những hành động khiêu khích của phía Pháp. Nhiều người bắt đầu lo lắng vì có tờ báo gợi ý thô bạo: “Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề Việt Nam là: nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đang có mặt ở Pháp, chúng ta hãy giữ Người ở lại đây!”. Ngày 20-10-1946, chiếc Thông báo hạm Dumont d’Urville, với đoàn thủy thủ người Pháp gồm 150 sĩ quan và lính thủy, đưa Bác về đến cảng Hải Phòng. Cùng về với Bác, ngoài hai tùy tùng của Người là ông Đỗ Đình Thiện và Đại tá cận vệ, còn có bốn trí thức Việt kiều là các ông kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), kỹ sư Võ Quý Huân, kỹ sư Võ Đình Quỳnh và bác sỹ Trần Hữu Tước. Bác và mọi người trong đoàn về Hà Nội trước, ông Thiện còn ở lại Hải Phòng tiếp đoàn thủy thủ. Tới Hà Nội, Bác liền cho gọi bà Thiện lên gặp và bảo: “Bác đưa chú Thiện về trả cô nguyên vẹn đấy nhé!”. Chả là, trong thời gian ở Pháp, khi tháp tùng Bác đi thăm Normandie cùng với Sainteny, ông Thiện đã thoát chết trong một tai nạn ôtô rất nguye hiểm mà một số báo Pháp đã không giấu sự nghi ngờ của họ rằng đó là một “vụ mưu sát Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Bầu không khí Hà Nội mỗi ngày một thêm căng thẳng, chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Ông bà Thiện gửi bốn con nhỏ cho một người bạn ở Vân Đình và mua trữ trong nhà khá nhiều súng đạn và lựu đạn. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông Thiện, trong cương vị Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến Khu Hoàn Kiếm, và bà Thiện, phụ trách tiếp tế cứu thương, đã cùng tự vệ thành chiến đấu cầm cự với địch. Tại phố Hàng Gai, địch chiếm bên số lẻ, ta giữ bên số chẵn, cuộc đấu súng và giành giật thật quyết liệt! Sau mười ngày đêm chiến đấu, có liên lạc vào đón, ông Thiện tổ chức đưa hơn ba trăm người vượt qua gầm cầu Long Biên vào ban đêm, dưới ánh đèn pha canh chừng và những loạt đạn tiểu liên vu vơ của địch từ trên cầu, rút ra vùng tự do theo hướng Chèm. Trong giây phút hiểm nghèo, ông bà Thiện bảo nhau hãy “cố” sống lấy ít nhất một trong hai người để bọn trẻ khỏi bơ vơ. Trong lần gặp gần đây, Giáo sư Đỗ Long Vân, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, con trai ông bà Đỗ Đình Thiện, kể với tôi: “Đêm 19-12-1946, bốn chị em chúng tôi đứng trên bờ đê Vân Đình, nước mắt lưng tròng nhìn về bầu trời Hà Nội rực đỏ, lòng đầy lo lắng cho số phận của bố mẹ chúng tôi”.
... Những ngày đầu chín năm chống Pháp, đồn điền Chinê của ông bà Thiện trở thành “binh trạm” của kháng chiến. Bác và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước thường qua lại, dừng chân nơi đây trên đường lên chiến khu Việt Bắc. Một buổi tối đã khuya, trên đường đi công tác, Bác ghé qua thăm gia đình ông bà Thiện. Trước lúc lên đường, Bác không quên dành cho “thằng bé con” Đỗ Long Vân của ông bà một cái hôn mặc dù cháu đã ngủ say. Đồn điền Chinê đã là nơi đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là nơi bồi dưỡng nhiều đoàn quân trên đường Nam tiến hoặc trước khi vào chiến dịch. Tôi lật xem cuốn an-bom kỷ niệm của gia đình, và dừng lại ở trang có bức “thư – công văn” đề ngày 21-1-1947 của Vệ quốc đoàn Chiến Khu Hai gửi ông Đỗ Đình Thiện. Bức thư viết: “Toàn thể bộ đội Khu Hai rất cảm động được Ngài ủng hộ vụ lúa thu trong quí đồn điền năm 1946 và 1947. Vậy nhân danh Bộ chỉ huy tối cao chiến Khu Hai, chúng tôi xin thay mặt toàn thể bộ đội trân trọng gửi Ngài lời cảm ơn. Với lòng tha thiết của Ngài trong công cuộc kháng chiến hiện nay, toàn thể bộ đội Khu Hai xin hứa luôn luôn nỗ lực chiến đấu, quyết hợp lực cùng toàn dân phá tan kế hoạch mùa đông của địch để xứng với nhiệt tình Ngài đã giành cho”. Cuối thư ký tên Khu trưởng Hoàng Sâm và Chính trị ủy viên Lê Hiến Mai. Riêng vụ lúa ấy ông bà Thiện đã ủng hộ bộ đội hai trăm tấn thóc. Thật ra, những chuyện ông bà Thiện ủng hộ việc này việc nọ thì nhiều lắm. Và nhiều việc ông bà làm mà không bao giờ nhắc tới nữa. Chỉ mãi sau này, những người có liên quan hoặc chứng kiến kể lại thì con cháu trong nhà mới được biết. Chẳng hạn, ông Đang kể rằng, những ngày mới giành chính quyền, ông được giao nhiệm vụ mở một lớp đào tạo khoảng ba trăm cán bộ thanh niên trong ba tháng nhưng không kiếm đâu ra tiền. Ông tìm đến trình bày với ông Thiện, và ông Thiện đã tài trợ cho cả khóa học này. Hoặc giả ông Thiện cũng đã ủng hộ tiền làm giải thưởng cho cuộc thi hội họa đầu tiên sau cách mạng mà trong đó họa sỹ Trần Văn Cẩn đoạt giải nhất ...
Ngày 22-2-1947, tám máy bay khu trục Pháp oanh tạc đồn điền Chinê. Tài sản của ông bà Thiện bị thiêu hủy nặng nề. Riêng kho cà phê trúng đạn lửa cháy âm ỷ suốt ba tháng không sao cứu chữa được. Biết tin này, Bác gửi tới ông bà Thiện tấm thiếp chia buồn như sau: “Chú thím Thiện. Được tin chú thím và các cháu đều bình an. Tôi rất vui lòng. Mất của cải, không sợ (Còn trời còn nước còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ). Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng”.
Ít ngày sau đó, ông bà Thiện đưa cả gia đình lên Việt Bắc theo đuổi cuộc kháng chiến chín năm. Những năm kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng ấy, hễ có dịp đi công tác qua là Bác lại ghé thăm gia đình ông bà Thiện. Thỉnh thoảng gia đình ông bà lại nhận được một “mẩu” thư xinh xinh của Bác như “Cảm ơn các cháu, Biếu Bác trứng rau. Bác chúc các cháu, Học hành tiến mau”, “Gởi chú thím Thiện. Cảm ơn chú thím đã gởi biếu một bộ quần áo rất đẹp, nhất là cái zì cũng tự tay mình làm lấy. Nghe nói các cháu thêu khéo, Bác gởi lời khen các cháu. Thân ái. 12/48. Bác”...
Đến hôm nay, ông Đỗ Đình Thiện đã đi với Bác Hồ về cõi Tiên được 23 năm rồi. Còn bà Thiện, tuy tuổi cao sức yếu, nhưng đôi mắt sáng và gương mặt vẫn toát lên vẻ đôn hậu, đoan trang của một người Hà Nội. Gia đình ông bà Thiện còn lưu giữ khá nhiều kỷ vật quý, bằng chứng của cuộc đời sống động của ông bà, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với Bác Hồ kính yêu.
Tạm biệt gia đình, rời khỏi ngôi nhà 76 Nguyễn Du, bước ra đường phố sôi động của “thời kỳ mở cửa”, lòng tôi không nguôi xúc động khi nghĩ đến những cuộc đời, những con người đã gắn bó và cống hiến cho cách mạng thật lớn lao mà không mảy may kể công hoặc đòi hỏi hưởng thụ, vẫn vô tư, trong sáng đến tuyệt vời. Bất giác tôi chợt nghĩ: đành rằng, trong thời kỳ đổi mới của đất nước hôm nay, làm giàu và mưu cầu hạnh phúc là nguyện vọng chính đáng của mọi người, song giá như mỗi người đều làm giàu một cách chân chính bằng bàn tay khối óc của mình, đều biết kết hợp hài hòa giữa cái riêng với cái chung thì cuộc đời sẽ đẹp biết bao, đất nước sẽ tiến nhanh biết bao! Điều đó chắc hẳn có thể thực hiện được khi đã có những con người lớp trước như tấm gương trong.
Hà Nội 8/95


* Bà Lê Thị Thanh là người được Trung ương cử, đảm nhiệm việc nấu cơm và chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ suốt máy chục năm (từ ngày Bác về Pắc Bó đến khi Bác qua đời). Báo Phụ nữ Việt Nam số kỷ niệm 19-5-1995 đã có bài giới thiệu về bà Lê Thị Thanh của tác giả Khuất Biên Hòa.

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

NGƯỜI CÒN LẠI VỚI THỜI GIAN phần 2

NGƯỜI CÒN LẠI VỚI THỜI GIAN phần 1

CỔ TÍCH KHÔNG DÀNH CHO TRẺ THƠ

                                                                     Minh Tâm
       (Quân đội nhân dân 12100-12101, 23-24/1/1995)

Nhân một việc có liên quan đến Hội Toán học Việt Nam, qua giới thiệu của một bạn đồng nghiệp, tôi tìm đến nhà riêng giáo sư, tiến sĩ Đỗ Long Vân - Chủ tịch Hội, ở số 76 Nguyễn Du, Hà Nội.
Phòng làm việc của giáo sư ở gác 2, bộn bề sách vở nhiều thứ tiếng. Tôi chú ý đến tấm ảnh nhỏ đã nhuốm màu thời gian lồng trong khung kính, đặt trang trọng cạnh lọ hoa trên bàn viết. Trong ảnh, bên bờ biển một miền xa lạ nào đó, Bác Hồ, trong bộ đại cán màu sáng, đứng đối diện là một người mặc com-lê hao hao giống chủ nhà. Thấy cái nhìn ngỡ ngàng của tôi, giáo sư giải thích: cụ ông thân sinh ra tôi đã có thời là thư ký của Bác. Ảnh chụp năm 1946 tại Pháp, trên bãi biển Biaritz.
-         Cụ còn khỏe không, thưa giáo sư? Tôi hỏi.
Giáo sư lắc đầu “bố tôi mất đã 21 năm nay rồi”! Tôi ngỏ ý muốn thắp hương cho cụ. Giáo sư dẫn tôi sang phòng bên, lễ phép nói với một cụ bà tuổi ngoại tám mươi đang đọc báo bên bàn nước.
-         Thưa mẹ, đây là anh bạn nhà báo, anh muốn thắp hương cho bố.
Cụ gật đầu tỏ vẻ cảm ơn rồi tự tay sửa sang bàn thờ, tự tay đốt nến giúp lễ. Dưới ánh nến lung linh, dòng chữ trên bức ảnh thờ hiện lên huyền ảo: Đỗ Đình Thiện 1904 – 1972.
Bữa ấy, trong gian phòng nồng ấm hương trầm, và tuần trà pha đúng cách người Hà Nội xưa, cụ Trịnh Thị Điền (tức cụ bà Đỗ Đình Thiện), theo đề nghị của tôi, đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây:
... Bà Điền gặp Bác Hồ lần đầu tiên vào mùa thu năm 1945, lúc bà còn ở 54 phố Hàng Gai, Bác đang ở nơi làm việc cũ của tướng Mô-li-e, đối diện nhà Thủy Tọa. Sau lời giới thiệu của bác Cả (tức ông Nguyễn Lương Bằng), Bác cười thân mật “ờ, cô cũng còn trẻ đấy nhỉ”, rồi Bác hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện làm ăn, như đã quen biết từ lâu. Chả là bà Điền lúc bấy giờ tuy mới 34 tuổi, nhưng đã làm ăn giàu có và khá nổi tiếng trong giới tư sản Hà Nội. Bà có tiệm buôn tơ lụa ở Hà Nội, nhà máy dệt ở Gia Lâm, và đồn điền cà phê lớn ở Chi-nê mua lại của một chủ người Pháp năm 1943 với giá 2000 lượng vàng. Có lẽ trong hình dung của Bác, một người như thế phải lớn tuổi hơn nhiều. Một ngày cuối tháng 5 năm 1946, ông Nguyễn Lương Bằng đến 54 Hàng Gai báo cho ông nhà tôi rằng, Bác muốn ông nhà tôi tháp tùng Bác đi Pháp. Sau vài phút suy nghĩ có vẻ lung lắm, ông nhà tôi hỏi lại với vẻ khiêm nhường:
- Tôi có thể không đi được không?
- Nếu anh tìm được người đủ tin cậy thay anh thì anh có thể ở lại – Ông Bằng trả lời.
Và thế là ông nhà tôi đành nhận lời.
Chỉ ít ngày sau, ông Đỗ Đình Thiện, trong cương vị thư ký riêng, và ông Vũ Đình Huỳnh trong cương vị đại tá cận vệ đã tháp tùng Bác trong chuyến ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch nước Việt nam dân chủ cộng hòa, nhằm mục đích cứu vãn hòa bình ở Việt Nam, để rồi sau đó, khi hội nghị Phông-ten-nơ-bơ-lô bị bế tắc, đã ký tạm ước 14-9-1946. Tại sân bay Gia Lâm - cụ Điền kể tiếp, khi máy bay cất cánh, cụ bà thân sinh ra ông nhà tôi đã không cầm được nước mắt. Có lẽ, không phải bằng lý trí, mà là bằng linh cảm của một người mẹ, cụ hiểu rõ tầm quan trọng cũng như mối hiểm nguy có thể trong chuyến đi này của Bác. Và quả nhiên, trong thời gian ở Pháp, khi tháp tùng Bác đi thăm Noóc-măng-đi cùng với Sanh-tơ-ni, ông Thiện đã bị tai nạn ô tô rất nặng, nhưng may mắn thoát chết!

Đưa tin về vụ tai nạn này, một số tờ báo Pháp hồi bấy giờ đã đặt dấu hỏi: “Phải chăng đây là một vụ mưu sát trượt Chủ tịch Hồ Chí Minh?”. Nhưng rồi mọi việc cũng bị lãng quên đi, nhường chỗ cho những sự kiện lớn lao cấp bách hơn (vụ tai nạn này đã được tường thuật chi tiết trong tập nhật ký làm việc của Bác do ông Thiện ghi chép, nay lưu giữ tại Bảo tàng cách mạng).
Ngày 20-10-1946, Bác về đến Hải Phòng trên chiếc thông báo hạm Đuy-mông-đơ-vin-lơ có 150 sĩ quan, thủy thủ Pháp hộ tống. Cùng về với Bác, ngoài các ông Đỗ Đình Thiện và Vũ Đình Huỳnh còn có 4 trí thức Việt Kiều là kỹ sư Phạm Quang lễ (tức Trần Đại Nghĩa), kỹ sư Võ Quý Huân, kỹ sư Võ Đình Quỳnh và bác sĩ Trần Hữu Tước. Bác và các anh em khác về Hà Nội trước, ông nhà tôi được phân công ở lại Hải Phòng tiếp đoàn thủy thủ Pháp. Khi về đến Hà Nội, Bác cho gọi ngay tôi lên bảo “Bác đưa chú Thiện về trả cô nguyên vẹn đấy nhé”.
Cụ Điền ngừng lời, nhẹ bước về phía bàn thờ thay một tuần hương mới cho cụ ông. Giọng cụ chậm rãi, xa xăm:
-         Nhưng mà chuyện đi Pháp của ông nhà tôi với Bác còn có một duyên do dài lắm. Ông nhà tôi là con út trong một gia đình viên chức, mồ côi cha từ lúc 5 tháng. Mẹ chồng tôi ở vậy từ năm 30 tuổi, nuôi con ăn học. Anh cả ông Thiện là kỹ sư hỏa xa, anh thứ hai là kỹ sư công chính. Thời học sinh, ông Thiện học ở trường Hàng Vôi. Sau vì tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, bị đuổi học, phải “đổi khai sinh” xuống học ở Nam Định. Ông Thiện nuôi chí du ngoại từ rất sớm. Thương con út không muốn cho đi xa, bà cụ bèn nghĩ mẹo hỏi vợ để ... cầm chân ông nhà tôi. Đã coi mặt 3, 4 đám gì đó, nhưng ông Thiện không ưng. Sau nhờ anh em ông Cát Thành, Cát Tường, thành viên phong trào “Đông kinh nghĩa thục”, có quen biết với cả hai nhà giới thiệu, chúng tôi gặp nhau và ưng thuận. Thế là làm lễ ăn hỏi. Nhưng không vì thế mà ông Thiện thay đổi kế hoạch đi Pháp du học. Đó là vào năm 1927, tôi tròn 16 tuổi, ông Thiện bước sang tuổi 24.
Một ông bạn sau này kể lại rằng, ông đã chứng kiến mẩu đối thoại (bằng tiếng Pháp) sau đây giữa ông Đỗ Đình Thiện và ông Trịnh Đình Cửu, bạn học của ông Thiện, trước ngày ông Thiện lên đường du học.
-         Anh có bầu máu nóng không? – Ông Cửu hỏi.
-         Chừng nào tim tôi còn đạp thì máu tôi còn nóng – ông Thiện trả lời.
Ở Pháp, ông Thiện vừa học vừa tham gia hoạt động cách mạng, rồi vào Đảng Cộng sản Pháp. Đã có lúc ông đi học nghề thợ sơn để hưởng ứng chủ trương “vô sản hóa” ở trong nước. Còn tôi - cụ Điền tiếp, ở trong nước, qua giới thiệu của cậu em họ là Ngô Đình Mẫn, tôi bắt đầu tham gia hoạt động ở chi bộ phố Huế của Đảng Tân Việt. Sau này khi cách mạng thành công, trong một bữa cơm thân mật ở nhà tôi, Bác nói vui “nhờ cô chú rủ nhau đi làm cách mạng, nay mới có dịp sum họp đông vui thế này”. Tôi thưa với Bác: “Không ai rủ ai đâu ạ, cháu tự đi thôi, anh Thiện cũng vậy”.
Đầu năm 1930, sau khi ba Đảng hợp nhất, một hôm chị Minh Khai và chị Phụ đến 41 Hàng Mắm tìn cô Điền cho biết rằng, Đảng chủ trương tăng cường gây dựng cơ sở ở Hải Phòng – Hòn Gai là nơi tập trung nhiều công nhân, rằng nếu có điều kiện thì nên thoát ly gia đình xuống Hải Phòng hoạt động. Thế là cô Điền quyết định ra đi. Trước khi đi, vì mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 4 tuổi, ở với ông anh cùng cha khác mẹ, nên cô đã để lại cho ông anh một lá thư tỏ ý chán đời muốn đi tu! Anh cô tưởng thật, đã cho in ảnh cô nhờ sở cảnh sát tìm kiếm khắp các chùa chiền.
Tại Hải Phòng, cô Điền bắt liên lạc với ông Nguyễn Tạo, là người cùng hoạt động ở chi bộ phố Huế trước đây. Nhóm hoạt động của cô gồm ông Nguyễn Tạo, ông Chức, ông Sáng và 2, 3 công nhân in có nhiệm vụ in tài liệu, làm giấy thuế thân và căn cước giả để các đồng chí đi hoạt động. Cô Điền bán sợi dây chuyền 2 chỉ vàng để mở quán cơm làm địa điểm liên lạc vận động công nhân. Từ Hải Phòng, cô Điền cũng thường chuyển tài liệu về Hà Nội, Hòn Gai. Lúc ấy cực lắm. Hoạt động cách mạng mà trốn Tây thì ít, trốn “quân ta” nhiều hơn. Thoáng thấy bóng người quen là phải lánh mặt, rất ngại người ta nghi ngờ bảo đi tu chùa sao lại lang thang ở Hải Phòng, Quảng Ninh thì trả lời cách sao cho lọt tai, cho thoát tù đây? Và rồi cô bị tù thật, do một tên phản bội chỉ điểm. Pháp giam cô ở Sở Cẩm Hải Phòng sau giải về mật thám Hà Nội. Đòn tù của Pháp cũng kinh hãi lắm. Chúng đưa ảnh Trần Phú, Nguyễn Ái Quốc ra hỏi. Và cứ mỗi cái lắc đầu lại nhận ngay một “trùy” vào cái đầu vừa lắc. Rồi thì cứ khoảng 2 giờ đêm, lúc tinh thần con người ta mềm yếu nhất, chúng lục dậy treo ngược lên xà nhà, đánh từ trên xuống, lại đánh từ dưới lên. Nhưng cũng may, nhờ ở tù của Pháp mà cô Điền có cơ hội làm quen với các nhà cách mạng vừa bị bắt ở Thượng Hải về như các ông Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Đỗ Ngọc Du ... Lại cũng đã gặp ông Lê Duẩn ở trong lao. Sau này đã có lần đồng chí Lê Duẩn nói với con gái cụ Điền “mẹ cháu tốt lắm, ở trong tù, mẹ cháu còn nhường cơm cho chú đấy!”.
Cuối năm 1931, cô gái 20 tuổi Trịnh Thị Điền đã quyết tuyệt thực một tuần liền để phản đối việc tra tấn dã man và ngược đãi phụ nữ. Sợ cô chết, người Pháp phải đưa cô ra điều trị ở nhà thương Phủ Doãn. Và sau đó, phải trả tự do cho cô, vì chẳng khai thác được gì, cũng chẳng có bằng cớ buộc tội. Chánh mật thám Ac-nuc giao cô cho anh cô quản thúc: “Con này cứng đầu cứng cổ lắm, không chịu khai gì cả, nếu nó trốn thì chúng tôi bắt anh”. Trong thời gian cô Điền điều trị ở nhà thương Phủ Doãn, các ông Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo ... cũng bị giam trong khu tù của bệnh viện. Biết ý đồ vượt ngục của nhóm này, cô Điền đả gửi vào cho ông Nguyễn Tạo 2 lưỡi cưa sắt bằng nửa ngón tay út nhét trong đôi dép dừa, giúp nhóm này vượt ngục vào đêm Noel 1931.
Cùng thời gian này, ông Đỗ Đình Thiện bị bắt tại Pháp. Giáo sư Trương Công Quyền kể lại rằng: “Anh Đỗ Đình Thiện là bạn học của tôi từ năm 1927. Anh Thiện có tham gia hoạt động cách mạng, là đảng viên Cộng sản Pháp ... Trong thời gian anh Thiện ngồi tù, tôi có vào thăm anh Thiện nhiều lần cùng các đồng chí đảng viên Cộng sản Pháp ... Lần cuối cùng tôi đến thăm thì được trả lời là anh Thiện không còn trong tù nữa, mà đã bị trục xuất về nước”.
Bị quản thúc chặt chẽ, nhà cửa thường xuyên bị khám xét, ông bà Đỗ Đình Thiện trở về với những công việc đời thường, mở hiệu buôn bán tơ lụa, rồi tậu đất, dựng nhà máy, đồn điền. Đến đầu những năm 40, thì ông bà Thiện đã được giới tư sản Hà Nội biết tiếng và kính nể. Ông bà Thiện giúp đỡ bạn bè nhiều lắm, còn dám cả gan nhận một số bạn ở tù ra vào làm việc: Vũ Đình Huỳnh làm ở tiệm buôn, Nguyễn Tuấn Thức và Lê Văn Hiền làm ở đồn điền Chi Nê. Trước hết là để anh em có việc làm, sau đó là để tiện việc liên lạc với cách mạng.
Năm 1943, ông Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La, nhắn tin qua ông Vũ Đình Huỳnh là muốn gặp ông Thiện. Ông Thiện hẹn gặp tại nhà riêng. Thế là bác Cả đóng vai một người buôn tơ đến tìm ông Thiện tại 54 Hàng Gai. Ông Bằng cho biết, Đảng đang rất khó khăn về tài chính. Bà Điền lên gác mở tủ đưa ông Bằng ba vạn đồng Đông Dương. Năm 1972, trong một lần tiếp bà Điền tại nhà riêng, đồng chí Trường Chinh, khi nhắc lại sự việc này, đã nói “Khi chúng tôi nhận được ba vạn đồng Đông Dương chị gửi cho qua anh Nguyễn Lương Bằng, quỹ Đảng chỉ còn 24 đồng”. Chính ông Bằng sau này có kể lại với ông Nguyễn Tuấn Thức rằng, ông thực sự bàng hoàng khi nhận số tiền lớn như vậy từ tay bà Điền. Đầu năm 1945, ông bà Thiện lại nhờ ông Vũ Đình Huỳnh chuyển tới ông Nguyễn Lương Bằng mười vạn đồng Đông Dương nữa. Ông Nguyễn Tạo cũng ghi nhận. “Cuối tháng 12-1932, tôi vượt ngục ở Hỏa Lò. Đồng chí Trịnh Thị Điền lại liên lạc với đồng chí Nguyễn Thụy Nhân giúp đỡ tôi. Năm 1943, tôi vượt ngục Ban Mê Thuột ra tới Hà Nội, đồng chí Trịnh Thị Điền lại liên lạc, cho tôi hai vạn đồng Đông Dương để tổ chức hoạt động cách mạng”.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà riêng ông bà Thiện ở 54 Hàng Gai trở thành “nhà khách” của Chính phủ. Các phái đoàn Nam Bộ, Phụ nữ Nam Bộ ... đều đã qua đây nghỉ ngơi, ăn uống, may quần áo. Bác cũng đã mời cơm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại đây. Bà Điền còn được giao tổ chức tiệc ở phố Nguyễn Du để Bác tiếp tướng Tiêu Văn, Lư Hán ... Ông Thiện được cử phụ trách “quỹ độc lập” trung ương. Khi ấy, ông Thiện đã góp vào quỹ này mười vạn đồng Đông Dương (trị giá 4kg vàng). Trong tuần lễ vàng, ông bà Thiện lại ủng hộ 4kg nữa. Dịp ấy một tờ báo đã đăng mẩu tin như sau: “7-10-1931, một sinh viên tòng học năm thứ 3 trường Đại học khoa học ở Tu-lu-dơ bị bắt ở ga Ma-la-bơ-lăng vì tặng bánh mì có truyền đơn nhét vào trong ruột cho binh lính Việt Nam mãn hạn lên tàu về nước. Truyền đơn này xúi giục binh lính khi trở về nước thì bất tuân thượng lệnh và hưởng ứng phong trào cách mạng. 19-11 năm đó, sinh viên ấy bị tòa án Tu-lu-dơ phạt 4 tháng tù, sau khi nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc mình làm, nhưng không chịu khai ai là đồng phạm. Sinh viên ấy, một đảng viên Cộng sản tên là Đỗ Đình Thiện, người mà ai nấy đều biết tiếng về “Tuần lễ vàng” vừa rồi. Khàng chiến toàn quốc bùng nổ, ông Thiện với tư cách phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Hoàn Kiếm, bà Thiện phụ trách tiếp tế cứu thương đã cùng tự vệ thành chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong 10 ngày đêm, sau đưa hơn 300 cán bộ, nhân dân, bí mật theo đường Chèm rút ra vùng tự do. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đồn điền Chi Nê của ông bà Đỗ Đình Thiện trở thành “binh trạm của Việt Minh; là nơi qua lại, dừng chân của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước trên đường lên chiến khu Việt Bắc; là nơi dừng chân và dưỡng sức của nhiều đoàn quân trước khi ra mặt trận và trên đường Nam tiến. Bác cũng đã qua lại nơi đây nhiều lần. Vụ lúa thu 1946-1947, ông bà Thiện đã ủng hộ Vệ quốc đoàn chiến khu 2 khoảng 200 tấn thóc. Trong thư đề ngày 21-1-1947, khu trưởng Hoàng Sâm và chính trị ủy viên Lê Hiến Mai gửi ông Đỗ Đình Thiện đã viết “Toàn thể bộ đội khu hai rất cảm động được ngài ủng hộ vụ lúa thu trong quý đồn điền năm 1946-1947 ... Với lòng tha thiết của ngài trong công cuộc kháng chiến hiện nay, toàn thể bộ đội khu hai xin hứa luôn luôn nỗ lực chiến đấu, quyết hợp lực cùng toàn dân phá tan kế hoạch mùa đông của địch để xứng với sự nhiệt tình ngài đã dành cho”.
Sau Cách mạng Tháng Tám, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, ông Đỗ Đình Thiện đã đứng tên mua lại nhà in Tô-pin của Pháp (vì người Pháp không chịu bán cho Chính phủ ta), lại cho Bộ Tài chính mượn địa điểm, nhà xưởng, nhà máy điện, nước của đồn điền Chi Nê để đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước VNDCCH do ông Phạm Quang Chúc phụ trách.
Ông Lê Văn Hiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính đã từng viết:
“Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông bà Đỗ Đình Thiện đã có nhiệt tình đóng góp nhiều cho cuộc kháng chiến: Ông bà đã dành một địa điểm rất thích hợp tại Cổ Nghĩa, Chi Nê để Bộ Tài chính xây dựng một nhà máy in bạc tương đối lớn, đáp ứng yêu cầu về tài chính trong thời gian đầu cuộc kháng chiến”. Ngày 22-2-1947, 8 máy bay khu trục Pháp oanh tạc đồn điền Chi Nê, tài sản của ông bà Thiện bị thiêu hủy nặng nề, nhiều kho vật liệu, sản phẩm (cà phê) bị cháy không cứu chữa được. Được tin này, Bác gửi tới ông bà Thiện tấm thiếp như sau: “ Chú thím Thiện. Được tin chú thím, nhà Hiền (là bạn đồng thời là người cộng sự của ông bà Thiện – T.G) và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải, không sợ (còn trời còn nước còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ). Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng”.
Sau trận bom ấy, ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình gồm mẹ già và 4 con (nhỏ nhất mới 4 tuổi là Đỗ Long Vân; và 3 chị gái là Đỗ Thanh Liên, Đỗ Kim Anh, Đỗ Thiên Hương mà lớn nhất mới 12 tuổi và sau này đều là trí thức cách mạng) lên Việt Bắc, theo đuổi cuộc kháng chiến 9 năm. Nhà “tư sản cách mạng” hay đúng hơn là nhà “tư sản của cách mạng” Đỗ Đình Thiện cũng ba lô trên vai, trèo đèo lội suối, cùng anh em công nhân đẩy mảng trên dòng suối lũ để xây dựng nhà máy cơ khí đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc – nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo mà ông Thiện được đồng chí Nguyễn Lương Bằng mời làm giám đốc trưởng. Rồi sau đó lại tham gia thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc.
Đang dở câu chuyện, bỗng dưng cụ Điền tủm tỉm cười “ông nhà tôi làm giám đốc nhưng không chịu hưởng lương”. Bác Cả hỏi “sao kỳ vậy”. Ông tôi bảo “hưởng lương khó làm việc lắm. Không lương dễ nói hơn”. Cụ Điền lại ngừng lời và lại khẽ khàng đến bên bàn thờ thắp tuần nhang mới cho cụ ông. Cụ nói, như dành cho một mình vong linh của cụ ông thôi “thời buổi này mà nói chuyện cũ e người ta khó tin ông ạ”. Rồi cụ quay ra nói với tôi, có những chuyện nay nghĩ lại thấy buồn cười lắm! Trong kháng chiến, ông tôi không nhận lương, hòa bình rồi, làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng không có lương. Cho đến lúc ốm vào nằm ở bệnh viện Việt-Xô, bệnh viện lúng túng chẳng biết xếp vào tiêu chuẩn nào. Thấy các vị Bộ Chính trị và lãnh đạo Nhà nước thường xuyên đến thăm, bác sĩ chủ nhiệm khoa hỏi nhỏ tôi “thế lương cụ ông bao nhiêu?”. Tôi trả lời “ông tôi không có lương”, ông bác sĩ tỏ vẻ không tin, lẳng lặng bỏ đi. Cả chuyện này nữa, nghe có vẻ khó tin: Suốt cả thời bao cấp, cụ Thiện chỉ hưởng bìa “N” (thứ tem phiếu dành cho dân thường mỗi tháng được mua một lạng đường và một lạng thịt).
Ngày đầu tiên của năm 1972, giữa 2 trận bom của không quân Mỹ, cụ Đỗ Đình Thiện mất (1-1-1972) thọ 69 tuổi. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội đều tới viếng. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng tới đầu tiên, muốn nhìn mặt bạn lần chót, nhưng nhà đã liệm xong. Chủ tịch Trường Chinh đến hai lần. Một lần đi với phu nhân, đồng chí nói: “Hôm nay tôi tới hỏi thăm gia đình. Ngày mai tôi tới viếng anh”. Nhóm bạn đồng học ở Pháp cũng có mặt đủ: Giáo sư Trần Văn Giàu, giáo sư Trương Công Quyền, ông Nguyễn Văn Long, ông Châu Lượng, ông Phan Tư Nghĩa, họa sĩ Phi Hoanh ... Lúc viếng cụ Đỗ Đình Thiện, có ai đó đã thì thầm khấn “Giàu không bỏ bạn, nghèo không bỏ bạn, gian nan vẫn thủy chung với bạn! Suốt một đời chúng tôi theo học cái nghĩa tình trước sau như nhất của anh!”.
Tôi nói với cụ bà Đỗ Đình Thiện “chuyện của các cụ nghe cứ như ... cổ tích ấy”. Đúng là cổ tích nhưng mới xảy ra hôm qua thôi, do Đảng, Bác Hồ kính yêu khơi nguồn. Các cụ là nhà tư sản của cách mạng, nhờ hoạt động cách mạng mà trở thành tư sản để phục vụ cách mạng! Giáo sư Long Vân cho tôi xem toàn bộ thư từ của Bác, của Bác Cả gửi cho gia đình ở Chi Nê, ở Việt Bắc. Giáo sư còn cho xem tập an bom ảnh những ngày cụ ông Đỗ Đình Thiện làm việc cùng Bác ở Pháp, ảnh Bác đến thăm gia đình giáo sư ở rừng Việt Bắc, cả tập nhật ký làm việc của Bác do cụ Đỗ Đình Thiện ghi tại Pháp mà Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng vừa mới gửi tặng gia đình hôm 29-11-1993.
Bàn tay vị giáo sư trượt khỏi tập an bom ảnh, đôi mắt thông minh của ông chợt xa vắng như dõi về nơi sâu thẳm của ký ức. Có lẽ ông đang nhớ về một thời sống đẹp đến hoàn mỹ của người cha đáng kính.
Đội Cấn đầu đông 1994

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Vị nữ bác sỹ già và 21 lần được gặp Hồ Chủ tịch


Trong ký ức của bà Thiên Hương, cuộc gặp gỡ với luật sư Loseby vẫn như mới hôm qua (Ảnh tư liệu)
Những ngày này, căn biệt thự nằm sâu trong con ngõ nhỏ góc phố Nguyễn Du chợt ồn ào hơn hẳn. Rất nhiều lượt khách, vì hiếu kỳ và ngưỡng mộ, đã đến tận nơi mong được gặp cô gái nhỏ ngày nào đã từng 21 lần được gặp Bác.
Cô gái  từng được Bác coi như người trong gia đình ấy giờ đã ở vào độ tuổi thất thập cổ lai hy nhưng những ký ức về người cha già kính yêu vẫn chưa hề phai nhạt.
Bà là bác sỹ Đỗ Thiên Hương, con của nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện, thư ký riêng tháp tùng Bác Hồ trong chuyến ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp năm 1946.
Học Bác từ những điều giản dị nhất
Mặc dù đã 72 tuổi, nhưng trong ký ức của bác sỹ Thiên Hương, những kỷ niệm về Bác vẫn chưa bao giờ phai nhạt. Đến tận bây giờ, bà vẫn tự nhủ  phải học tập Bác từ những điều giản dị nhất.
Ký ức miên man đưa người bác sỹ già quay trở về mấy chục năm về trước khi vẫn còn là một cô gái ngây thơ. Một lần nọ, vào dịp Tết Nguyên đán sau giải phóng Thủ đô, cả gia đình cô bé Hương được đón Bác về thăm.
"Bao giờ tới nhà, Bác cũng có thói quen điểm mặt các thành viên trong gia đình tôi. Khi ấy, tôi đang sốt li bì nằm trên gác nên không thể xuống đón Người được. Bác đã lên gác, vào tận giường thăm hỏi," bà Hương bồi hồi nhớ lại.
Khi ấy, mặc dù còn rất mệt, nhưng khi vừa nhìn thấy Bác, Hương đã vui mừng vùng dậy, ôm chầm lấy Người và chỉ thốt lên được một câu: "Bác!" Vị cha già ôn tồn khuyên bảo Hương, và hứa mấy ngày nữa sẽ cho đón cả nhà lên thăm Bác. Nhưng đến ngày hẹn, cô bé Hương vẫn chưa khỏi ốm. Nhìn cả nhà được đi thăm Bác, Hương tủi thân bật khóc.
"Sau này tôi mới biết, mẹ tôi có đem chuyện này kể lại với Người. Bác hứa khi nào tôi khỏi thì sẽ đón lên chơi," bà Hương nói.
Tin được ra với Bác, được trò chuyện cùng vị lãnh tụ vĩ đại khiến cô bé Hương ngày đêm háo hức. Và rồi cuối cùng, thời khắc ấy cũng đã đến. Hương được vào Phủ Chủ tịch với Bác, được theo chân Người ra ao cá.
Trong con mắt trẻ thơ của Hương, hình ảnh bầy cá vàng quẫy đuôi giành thức ăn [những mẩu ruột bánh mỳ Bác để lại sau mỗi bữa sáng - PV] là một cảnh tượng vô cùng thú vị. Chưa bao giờ, cô thấy có nhiều cá đến vậy. Trong một khắc, Hương bỗng quên mình đang đứng cạnh Bác, reo lên sung sướng. Trìu mến nhìn đứa cháu nhỏ đang mê say với ao cá, Bác ân cần cười và bảo: "Thế hôm nay, Bác sẽ đãi cả gia đình cháu bữa cá nhé."
Đó có lẽ là bữa ăn đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời của bác sỹ Thiên Hương. Bà bảo: "Điều cảm động nhất là mặc dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn không quên lời hứa với một đứa trẻ."
Bà Hương vẫn cứ nhớ mãi một lần khác được gặp Bác. Hai Bác cháu đang ngồi, bỗng Người hỏi: "Cháu có biết khâu không ?"
- Dạ, thưa Bác có ạ ! – Hương trả lời.
Lập tức, Bác đưa cho Hương một đôi giày vải sẫm màu, đã có vết rách và hộp kim chỉ. Bác bảo:"Đôi giày này tuy dã cũ nhưng nếu khâu lại, Bác vẫn dùng được.”
Khâu xong, Hương được Bác tặng cho chiếc hộp nhôm đựng thuốc lá bác vẫn dùng để đựng kim chỉ. Và cho đến tận bây giờ, người bác sỹ già ấy vẫn cứ giữ chiếc hộp nhôm như một báu vật của cả cuộc đời mình.
Cuộc gặp gỡ lịch sử với luật sư Loseby

Năm 1931, trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Hongkong, Bác Hồ đã bị cảnh sát nước này bí mật bắt giam. Thực dân Pháp khi đó đã vận động Cảnh sát Hongkong trục xuất Bác về Việt Nam để xử lý.
Nhưng âm mưu của chúng đã không thể thực hiện được khi một luật sư người Anh có tên Loseby đã dùng tài năng và mối quan hệ của mình đứng ra bảo vệ Bác; sau đó giúp Bác rời khỏi Hongkong an toàn. Năm 1960, Bác đã mời những vị ân nhân của mình sang thăm Việt Nam.
Bà Hương còn nhớ khi ấy bà đang là sinh viên y khoa năm thứ nhất. Bà rất bất ngờ khi được vinh dự cùng Bác ra tận chân cầu thang máy bay đón luật sư và gia đình.
Trong ký ức của bà Hương vẫn in đậm những ngày tháng ấy. Ngày khách sang, trời mưa lất phất nhưng Bác vẫn cùng mọi người ra tận phòng khách của sân bay Gia Lâm.
Luật sư Loseby sang thăm Việt Nam cùng vợ và một cô con gái. Khách rất xúc động khi nhận những bó hoa tươi thắm từ cô sinh viên y khoa Thiên Hương và đặc biệt hơn nữa là họ lại được chính vị Chủ tịch nước dù bận trăm công nghìn việc vẫn ra tận nơi đón.
Bác và luật sư Loseby ôm hôn nhau thắm thiết, 30 năm mới gặp lại nhau nên ai cũng bồi hồi. Bác giới thiệu Thiên Hương với vị ân nhân của mình: “Cháu gái đây là con gái của một gia đình tư sản yêu nước Việt Nam.”
Đoàn luật sư được đưa về nghỉ tại một biệt thự có vườn hoa trên đường Nguyễn Du, bên cạnh hồ Thiền Quang. Bác cùng đi với đoàn, xem qua chỗ ăn ở và thân mật dặn dò mọi người nghỉ ngơi cho thoải mái trong những ngày ở thăm Việt Nam.
Trong những ngày ở Hà Nội, Bác đến thăm gia đình luật sư khá thường xuyên, nói chuyện với họ rất chân tình. Những lúc rảnh, Bác đưa những vị khách quý đi thăm một số nơi như Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Trại nhi đồng miền Nam và nơi làm việc của Người. Những vị khách rất ngạc nhiên vì sao vị Chủ tịch của một nước lại sống và làm việc ở nơi bình dị như thế?
Nhớ lại những ngày được cùng Bác đón đoàn luật sư nước ngoài, bà Hương không giấu nổi xúc động: "Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng những ấn tượng về Bác ngày đón luật sư Loseby vẫn vẹn nguyên trong tôi như ngày nào."
Năm nay, bà Hương đón sinh nhật lần thứ 120 của Bác giữa lòng thành phố mang tên Người. Từ miền Nam đầy nắng gió, gọi điện cho chúng tôi, bà bảo: "Tôi may mắn vì được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà Bác Hồ là một người vô cùng gần gũi. Tình cảm đó đã lan truyền đến cả bốn chị em chúng tôi. Dù đi đâu, về đâu, chúng tôi cũng luôn tự nhủ phải luôn sống làm sao cho xứng với Người."./.
Sơn Bách (Vietnam+)