Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà

Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà Blog này, nơi Lưu giữ những bài viết về Cụ Đỗ Đình Thiện- Trịnh Thị Điền

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

DOANH NHÂN ĐỖ ĐÌNH THIỆN


Do-dinh-thienĐỖ ĐÌNH THIỆN – MỘT TẤM GƯƠNG YÊU NƯỚCGia tộc Đỗ Đình Thiện rất nổi tiếng ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ trước. Cụ Đỗ Đình Thiện (?-1972), là một doanh nhân,  một nhà tư sản ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam, từ trước Cách mạng tháng Tám đã là chủ cửa hàng buôn bán tơ lụa tại 54 Hàng Gai Hà Nội, chủ một nhà máy dệt và một đồn điền lớn tại Chi Nê (Hòa Bình). 
Cụ ông Đỗ Đình Thiện khi còn đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Canh nông đã vì tham gia tổ chức cách mạng mà bị trục xuất khỏi nước Pháp; cụ bà Trịnh Thị Điền là cán bộ hoạt động bí mật từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, lại trở thành nhà đại tư sản những năm 40. Căn nhà 54 Hàng Gai của hai cụ trước đây là nơi đi lại của những lãnh tụ cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Nguyễn Tạo... Sau thời đầu của chính quyền cách mạng, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng nơi đây để tiếp khách nước ngoài và những nhân sĩ trí thức như cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Đỗ Đình Thiện từng là một trong hai người tháp tùng Bác Hồ trong chuyến ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Fontainebleau (Pháp) từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1946. Là thư ký riêng, ông đã có một cuốn nhật ký tỉ mỉ về hành trình, làm việc của Bác tại nước Pháp trong chuyến đi đó. Gia đình hai cụ Đỗ Đình Thiện và Trịnh Thị Điền là một cơ sở tài chính lớn của Đảng và Chính phủ trước và sau ngày nắm chính quyền. Đã từng có chuyện khi ngân quỹ của Đảng chỉ còn 24 đồng bạc thì cụ bà Trịnh Thị Điền đã đưa cho ông Nguyễn Lương Bằng 3 vạn đồng để "các đồng chí hoạt động". 
Ngay từ năm 1943, hai cụ  đã đóng góp tiền cho Đảng Cộng sản Đông Dương và lực lượng Việt Minh. Trong Tuần lễ vàng và Quỹ Độc Lập, gia đình này đã đóng góp đến gần chục kilogram vàng, là người đóng góp gần nửa cổ phần của Việt Nam công thương Ngân hàng. 
Trong kháng chiến chống Pháp, Gia đình cụ mua máy in cho chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chuyển ra đồn điền của gia đình mình ở Chi Nê để lập nhà máy in tiền cho chính phủ của Việt Minh (đây là nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), cũng được đặt làm cơ sở in tiền đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nơi đây, còn có nhiều nhà máy, cơ sở của Chính phủ đặt cơ sở trong những năm đầu của cuộc kháng chiến. Đồn điền Chi Nê được các cụ mua với giá 2000 lạng vàng thời đó, nay là Nông trường Sông Bôi - Hòa Bình. Ngày 24/2/1947 máy bay Pháp đã oanh tạc đồn điền này. Trong cuốn "Nhật ký của một bộ trưởng" của nguyên Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến, có nhiều lần nhắc đến gia đình cụ Đỗ Đình Thiện với những đóng góp hết sức to lớn cho Chính phủ kháng chiến. 
"8 giờ đến Chinê. Một cảnh tượng mới hiện ra. Một phần nhà cửa đổ nát, khói lửa đương còn nguyên. Ngày 22 hồi 3 giờ 30, 8 chiếc khu trục Pháp tấn công tại khu vực đây, 4 chiếc bắn phá tại Đồng Lãng, 4 chiếc oanh tạc và bắn phá tại cơ quan ấn loát. Tại đây thả tất cả 8 quả bom, 2 quả trúng đích làm hư hỏng nhà ở của vợ chồng anh Đỗ Đình Thiện. Chúng bắn đạn lửa rất nhiều vào cơ quan ấn loát làm cháy kho cà phê và kho vật liệu, thiệt hại khá lớn. Nhưng máy móc được nguyên vẹn không hư hỏng gì. Nhà ở của chúng mình bị bắn thủng rất nhiều, một áo mưa bị thủng nhiều lỗ, và được giữ làm kỷ niệm.... 
Ngày 25/2/1947. Cho làm tờ tường trình về vụ oanh tạc. Số thiệt hại về người và máy móc thì không có gì nhưng về vật liệu trong đó thì cũng khá quan trọng, kể cũng đến non hai triệu đồng, trong đó có sở gần 1 triệu vì sự sơ suất của 1 nhân viên, hai vựa cà phê của ông Đỗ Đình Thiện bị tiêu ra tro, cháy trong 1 tuần lễ vẫn chưa tắt. Trong cuộc kháng chiến này, sự hi sinh của gia đình Đỗ Đình Thiện đối với quốc gia rất lớn, một sự nghiệp to tiêu tan không mấy chốc". 
Khi được báo cáo về sự oanh tạc của máy bay Pháp vào đồn điền Chi Nê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho gia đình cụ Đỗ Đình Thiện. Thư cụ Chủ tịch nước có đoạn viết: "Chú thím Thiện. Được tin chú thím, nhà Hiền và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải không sợ. "Còn trời còn nước còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ". Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng". 
Gia đình Đỗ Đình Thiện là trong số những người Hà Nội đầu tiên đi kháng chiến; để lại hai ngôi nhà, một nhà máy và rất nhiều của cải; đi theo Cách mạng và Cụ Hồ cho đến ngày Điện Biên Phủ toàn thắng. Hòa bình về, gia đình họ cũng chỉ là những lương dân bình thường, thậm chí cụ ông còn không hưởng lương cho đến khi mất, năm 1972... 
Trong ký ức của nhà toán học, tiến sĩ Đỗ Long Vân, cha mình - nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện là một kẻ sĩ, một doanh nhân lịch lãm; và mẹ- cụ Trịnh Thị Điền- nhà  cách mạng Trịnh Thị Điền - là người phụ nữ mẫu mực. Của cải vô giá mà ông thừa hưởng được ở cha mẹ mình là tấm gương sáng về sự trung thực, là sự  hi sinh hết tất cả những gì mình có vì số đông... 
Giàu có nhưng các cụ sống giản dị theo kiểu thanh bạch của người Hà Nội xưa. Cụ bà là một người kín đáo, sống mẫu mực theo kiểu phụ nữ Hà thành cũ. Còn bố tôi, cụ ông chịu ảnh hưởng của giáo dục châu Âu, ông thẳng thắn cương trực, đó là phẩm chất lớn nhất mà tôi thấy ở cụ. Ông không lý luận nhiều nhưng luôn dạy các con phải coi trọng sự trung thực. Ông cũng là người tinh tế, hấp dẫn, có khả năng cuốn hút với nhiều đối tượng. Đặc biệt, ông không màng danh lợi. Khi cách mạng thành công, người ta có đề nghị ông xuống Nam Định để ứng cử Quốc hội nhưng ông từ chối. Với tinh thần đó, sau kháng chiến, ông lại trở về cuộc sống của một thường dân mặc dù không ít cơ hội để lập quan... Làm giàu thì mỗi thời mỗi khác nhưng qua cuộc đời của hai cụ chúng tôi có thể thấy bí quyết thành công của hai cụ là ở chữ Tín và chữ Tâm. Chữ Tín đã giúp các cụ thành công trong làm ăn kinh tế, còn chữ Tâm đã khiến các cụ rất mực thuỷ chung với nước, với sự nghiệp chung. Đối với chúng tôi, các con cháu của hai cụ, thì tấm gương về đức độ của các cụ là tài sản quý giá nhất, là hành trang mà chúng tôi đem theo suốt cuộc đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét