Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà

Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà Blog này, nơi Lưu giữ những bài viết về Cụ Đỗ Đình Thiện- Trịnh Thị Điền

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

TỜ BẠC CỤ HỒ VÀ NHÀ TƯ SẢN TÊU NƯỚC


Sau Cách mạng Tháng Tám-1945,  Nhà nước Việt Nam non trẻ ra đời. Ngay sau những ngày trứng nước đó, đất nước gặp vô vàn khó khăn, ngân khố quốc gia trống rỗng. Xây dựng một nền tài chính vững mạnh là yêu cầu rất cấp thiết để duy trì hoạt động của một chính quyền cách mạng. Trong bối cảnh đó, tờ giấy bạc đầu tiên của cách mạng, còn được gọi với cái tên rất ấn tượng là “tờ bạc Cụ Hồ” ra đời. Ít ai biết rằng, nhà máy in tiền này ra đời có một phần công lao không nhỏ của ông Đỗ Đình Thiện - một nhà tư sản yêu nước. 
Nhà máy in tiền đầu tiên
Căn cứ Chi Nê (Lạc Thủy – Hòa Bình) và nhà máy in tiền (ảnh tư liệu do ông Đỗ Long Vân, con trai út của nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện cung cấp)
Khi việc phải khẩn trương in tiền để đảm bảo nhu cầu chi tiêu của cả xã hội trở nên gấp rút, một nan giải đặt ra cho cách mạng là sử dụng nhà máy in tiền như thế nào, ở đâu? Trong bối cảnh khó khăn đó, chính quyền cách mạng đã nhận được một sự giúp đỡ rất to lớn từ một nhà đại tư sản yêu nước ở Hà Nội. Đó là ông Đỗ Đình Thiện, người đã dám bỏ ra cả một gia tài khổng lồ để mua lại toàn bộ nhà in Taupin (nằm ở khu Cửa Nam - Hà Nội) của một ông chủ tư sản Pháp để hiến tặng cho cách mạng.
Chính nhờ nhà máy in tiền này, những tờ giấy bạc đầu tiên của nước Việt Nam độc lập nhanh chóng được phát hành vào đúng dịp Tết Bính Tuất năm 1946. Cả quân Tưởng và quân Pháp đều điên cuồng tìm mọi cách phá hoại. Bởi vậy, đến cuối năm 1946, nhà máy in tiền được chuyển lên đặt bí mật tại chính đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện để tiếp tục hoạt động.
Nhà máy in tiền đầu tiên của cách mạng nước ta là vũ khí trên mặt trận tài chính. Ngày 21-2-1947, Bác Hồ đã đến thăm nhà máy in tiền và dặn dò anh chị em đang vận hành những cỗ máy in tiền: “Hiện nay kẻ thù của chúng ta đang tìm các cơ sở kháng chiến như nhà máy này để đánh phá. Các chú phải giữ gìn bí mật”.
Quả nhiên, đúng như dự đoán của Bác, ngay ngày hôm sau, thực dân Pháp đã thả 8 quả bom xuống đồn điền Chi Nê, trong đó có 2 quả trúng nhà của ông Đỗ Đình Thiện. Trung tâm ấn loát bị trúng đạn. Kho cà phê và kho vật liệu bị cháy. Gia đình ông Thiện bị thiệt hại nặng.
Nhà máy in tiền ở Chi Nê bị bắn phá. Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã quyết định chuyển nhà máy lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang) để tiếp tục in tiền phục vụ cuộc kháng chiến, xây dựng đất nước.
Chân dung nhà tư sản yêu nước
"Đồng bạc Cụ Hồ" có mệnh giá 100 đồng, loại tiền giấy đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn được gọi là đồng tiền “con trâu xanh” (ảnh TL)
Trong những buổi đầu cách mạng và kháng chiến, ông Đỗ Đình Thiện mặc dù là một nhà đại tư sản nhưng luôn tìm cơ hội để giúp cách mạng nước ta. Từ khi còn là sinh viên của Trường Đại học Canh nông của Pháp, ông đã tham gia rải truyền đơn, tuyên truyền, kêu gọi sinh viên ủng hộ cách mạng. Chính vì lẽ đó, ông đã bị tù 4 tháng và bị trục xuất khỏi Pháp. Sau khi trở về nước, ông lập gia đình và vợ ông là bà Trịnh Thị Điền cũng tham gia hoạt động bí mật cho cách mạng. Từ những năm 1930, bà đã từng bị giặc bắt, tra tấn dã man và giam giữ 8 tháng.
Trước Cách mạng Tháng Tám-1945, 2 ông bà là chủ một cửa hàng buôn bán tơ lụa lớn ở Hà Nội và một nhà máy dệt nằm giữa đồn điền lớn ở Chi Nê (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình). Mặc dù buôn bán, làm ăn kiểu đại tư sản, nhưng tư tưởng ông luôn hướng về cách mạng. Trong những buổi đầu cách mạng, ông Thiện đã làm cả nước phải kinh ngạc khi đóng góp 2 vạn tiền Đông Dương cho Đảng (năm 1943), trong lúc ngân quỹ của Đảng chỉ còn… 24 đồng Đông Dương. Đến đầu năm 1945, vợ chồng ông lại tiếp tục đóng góp 10 vạn đồng Đông Dương và 100 lạng vàng cho “Tuần lễ vàng” vào tháng 8-1945... Bởi vậy, có nhiều người còn gọi ông là “túi tiền” của cách mạng!
Sau cách mạng, bước vào giai đoạn kháng chiến, đồn điền ở khu Chi Nê (Hòa Bình) của ông trở thành nơi nuôi dưỡng và che giấu cán bộ, bộ đội Cụ Hồ. Nhiều thời điểm, bộ đội đến ở đông tới mức mỗi ngày phải thịt một con bò mới đủ. Riêng vụ lúa mùa năm 1946-1947, gia đình ông đã ủng hộ 200 tấn thóc cho vệ quốc đoàn chiến khu 2.
Khi nhà máy in tiền bị địch đánh phá, cả gia đình ông Đỗ Đình Thiện cũng dắt nhau lên Việt Bắc, bỏ lại cả một đồn điền cà phê rộng hàng trăm héc-ta, hy sinh ngàn vạn cây vàng để theo cách mạng làm kháng chiến, điều mà không phải nhà tư sản nào cũng làm được. Trong nhật ký của mình, Bộ trưởng Lê Văn Hiến còn ghi rõ: “Trong cuộc kháng chiến này, sự hy sinh của gia đình ông Đỗ Đình Thiện đối với quốc gia là rất lớn”.
Buổi ban đầu của nhà nước Việt Nam độc lập, các mệnh giá tiền được in bao gồm: 100 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào. Trong đó, 2 mệnh giá 5 hào, 1 đồng được in ấn trước bằng kim loại tại Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội (nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam). Đến ngày 31-1-1946, sắc lệnh phát hành tiền giấy trên toàn quốc được ban hành. Lần lượt các mệnh giá 5 đồng, 10 đồng, 100 đồng được ra đời.
Do máy móc thô sơ nên các tờ giấy bạc trông khá thủ công. Ông Đỗ Long Vân, trên 80 tuổi, hiện đang sống ở phố Nguyễn Du (Hà Nội), là con trai út của cụ Đỗ Đình Thiện, cho chúng tôi xem lại một tờ giấy bạc mệnh giá 100 đồng. Ông Vân bảo: “Tờ giấy bạc này còn được gọi là tờ bạc “con trâu xanh” vì một mặt in ảnh Bác Hồ, mặt còn lại in hình con trâu màu xanh và hai người nông dân khỏe mạnh đang làm ruộng”. Đó là những tờ giấy bạc đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và được đông đảo người dân đón nhận, sử dụng và trân trọng gọi bằng cái tên: “tiền Cụ Hồ”.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét