Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà

Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà Blog này, nơi Lưu giữ những bài viết về Cụ Đỗ Đình Thiện- Trịnh Thị Điền

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

CÁCH MẠNG VIỆT NAM CÓ NHỮNG NGƯỜI NHƯ THẾ


Khuất Biên Hòa
(Phụ nữ Việt Nam, 31-8-1995)

Trên đời này, có những sự việc chỉ cần thoáng qua đã có thể hiểu được, khẳng định được nó là thế nào. Nhưng cũng có nhiều hiện tượng, nhiều con người mà nếu chỉ dùng một “cặp kính” quen thuộc, một hệ quy chiếu giản đơn thì khó có thể lý giải nổi. Cuộc đời ông bà Đỗ Đình Thiện là một trường hợp như thế. Nếu đứng trên quan điểm cách mạng thì ông Đỗ Đình Thiện và bà Trịnh Thị Điền, vợ ông, đều là đảng viên cộng sản. Ông Thiện tham gia Đảng Cộng sản Pháp từ trước năm 1930, còn bà Điền là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cả hai người đều đã từng bị tù đế quốc. Nhưng nếu nhìn từ góc độ kinh tế thì ông bà Thiện lại là nhà tư sản, tư sản “cỡ bự” của Hà Nội thời thuộc Pháp. Chỉ có điều, khác với nhiều nhà tư sản cùng thời, ông bà Thiện làm giàu không chỉ vì lợi ích riêng mà còn phụng sự cho sự nghiệp chung của dân tộc, đặc biệt trong những lúc cách mạng gặp nhiều khó khăn. Sự cống hiến của ông bà Thiện cho cách mạng thật to lớn, cuộc đời ông bà phong phú, trong sáng và đẹp như một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh. Bởi vậy một trang báo nhỏ này không thể nói hết được. Nhưng trong không khí cả nước tưng bừng và trang trọng kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám lịch sử, với tinh thần tìn về cội nguồn, trân trọng quá khứ, người viết bài này chỉ xin phác họa đôi nét để bạn đọc tham khảo.
Ngày 30 tháng 5 năm 1946, tại trường bay Gia Lâm diễn ra một cuộc tiễn đưa với nghi thức trọng thể, nhưng bao trùm một bầu không khí chính trị căng thẳng. Đó là cuộc tiễn Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp với tư cách “thượng khách” của Chính phủ Pháp, và tiễn phái đoàn Chính phủ Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu đi dự cuộc đàm phán Việt – Pháp tại Paris. Tháp tùng Hồ Chủ tịch trong chuyến đi ngoại giao đầu tiên của Người nhằm cứu vãn hòa bình ở Việt Nam có ông Đỗ Đình Thiện, thư ký riêng của Chủ tịch, và một đại tá cận vệ. Chẳng hiểu người Pháp nghĩ gì khi thấy ông Đỗ Đình Thiện lại xuất hiện trên đất Pháp, người mà hai mươi năm về trước, khi còn là sinh viên năm thứ ba Đại học Khoa học, đã hiên ngang tự bào chữa trước toàn án Toulouse về những “hành vi chống đối chính phủ Pháp” ngay tại “chính quốc”, và đã bị người Pháp bỏ tù và trục xuất về nước?!
Ông Đỗ Đình Thiện là con út trong một gia đình viên chức ở Hà Nội. Ông mồ côi cha khi mới tròn 5 tháng. Mẹ ông ở vậy năm ba mươi tuổi tần tảo nuôi con. Hai anh ông Thiện là kỹ sư hỏa xa và kỹ sư công chính. Hồi nhỏ ông Thiện học trường Hàng Vôi. Sau khi bị đuổi học vì tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, ông đổi khai sinh xuống Nam Định học tiếp. Ông Thiện có ý muốn du ngoại từ sớm. Mẹ ông không muốn xa con nên “bày kế” hỏi vợ để “giữ chân”. Do mai mối, ông Thiện làm quen với cô gái 16 tuổi Trịnh Thị Điền, và hai người có cảm tình với nhau ngay từ lần gặp đầu tiên. Lễ ăn hỏi được tổ chức, nhưng rồi ông Thiện vẫn quyết chí ra đi, để lại nơi quê nhà người mẹ muôn vàn thương yêu và người vợ trẻ chưa cưới. Đó là vào năm 1927, ông Thiện bước sang tuổi 24.
Tại Pháp, người thanh niên giàu nhiệt huyết Đỗ Đình Thiện có điều kiện tiếp xúc với những trào lưu tư tưởng khác nhau. Anh sớm nhận ra sự khác biệt giữa lý tưởng cao đẹp Tự do – Bình đẳng – Bác ái với chế độ thuộc địa mà người Pháp thiết lập ở Việt Nam. Ngoài học tập, anh hăng hái tham gia các sinh hoạt chính trị như diễn thuyết, mít tinh, biểu tình. Rồi anh gia nhập đảng Cộng sản Pháp, vận động cho sự nghiệp giành độc lập và giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Anh đã được Đảng Cộng sản Pháp cử sang Matxcơva một thời gian, và tại trường Phương Đông anh đã gặp Lê Hồng Phong, Bùi Công Trừng ... Trong những lần tham gia biểu tình, anh Thiện được các đồng chí Pháp bảo vệ rất cẩn thận, họ nói: “Nếu chúng tôi bị bắt thì tù nhẹ thôi, còn với anh thì sẽ nặng hơn nhiều”.
Ở trong nước, cô gái Hà Nội Trịnh Thị Điền, qua giới thiệu của người em họ là ông Ngô Đình  Mẫn, bắt đầu tham gia hoạt động ở chi bộ Phố Huế của Đảng Tân Việt, trong đó có các ông Nguyễn Tạo, Nguyễn Tuấn Thức ... Đầu năm 1930, sau khi ba đảng hợp nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương, chị Minh Khai và chị Phụ đến nhà riêng cô Điền ở 41 Hàng Mắm gợi ý cô thoát ly xuống hoạt động ở Hải Phòng vì Đảng chủ trương tăng cường xây dựng cơ sở trong công nhân. Thế là cô Điền quyết định ra đi nhận nhiệm vụ. Mồ côi cha mẹ từ năm bốn tuổi, từ bé cô Điền sống với người anh cùng cha khác mẹ. Trước khi đi, cô để lại cho anh một lá thư ý nói chán đời bỏ đi tu. Anh cô rất thương em, tưởng đó là sự thật nên đã cho in ảnh cô nhờ cảnh sát tìm kiếm.
Xuống Hải Phòng, tới địa điểm đã hẹn ở đường Cầu Đất, cô Điền bắt liên lạc với ông Nguyễn Tạo, người cùng hoạt động trong chị bộ phố Huế trước đây. Nhóm cô có nhiệm vụ in tài liệu, làm giấy thuế thân và căn cước giả để các đồng chí mình đi hoạt động. Mang theo sợi dây chuyền hai chỉ vàng, cô bán đi lấy tiền mở quán cơm làm địa điểm liên lạc và vận động công nhân. Về tài chính, lúc bấy giờ eo hẹp lắm, một mình ông Dựt đi làm công chức nuôi cả nhóm hoạt động. Những chuyến chuyển tài liệu, vũ khí về Hà Nội hoặc ra Hòn Gai cô Điền sợ nhất là bị người quen “phát hiện”. Đi trên tầu biển cô thường đứng ở mép tầu để phòng có động tĩnh gì thì liệng tài liệu, vũ khí xuống biển phi tang. Cẩn trọng vậy mà rồi cô cũng bị bắt vì có phản bội chỉ điểm. Thế là cô “nếm đủ đòn tù” từ Sở cẩm Hải Phòng đến nhà lao Sở mật thám Hà Nội. Nhưng cũng chính tại đây cô đã có dịp làm quen với các nhà cáh mạng Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Đỗ Ngọc Du ... vừa bị bắt từ Thượng Hải về, và quen biết đồng chí Lê Duẩn ở trong lao. Sau này đồng chí Lê Duẩn còn nhắc lại với con bà Điền: “Mẹ cháu tốt lắm! trong tù, khi chú bị đánh đập tra tấn mẹ cháu đã tận tình chăm sóc, còn giặt quần áo cho chú nữa!”. Cuối năm 1931, cô gái 20 tuổi Trịnh Thị Điền (người mang số tù 168834) đã kiên quyết tuyệt thực một tuần liền để phản đối việc tra tấn dã man và ngược đãi đối với tù nhân nữ. Họ phải đưa cô ra nhà thương Phủ Doãn điều dưỡng, và sau đó, vì không đủ bằng cớ để kết án, phải trả tự do cho cô. Khi cô Điền nằm điều trị ở nhà thương Phủ Doãn, các ông Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo ... cũng bị giam trong khu tù của bệnh viện. Khi được tha, cô Điền đã tìm cách gửi vào hai lưỡi cưa sắt để giúp nhóm này vượt ngục vào đêm Noel 1931.
Cùng khoảng thời gian ấy, ông Thiện bị cảnh sát Pháp bắt tại ga xe lửa Toulouse trong khi mang truyền đơn phát cho binh lính Việt Nam mãn hạn trên đường về nước. Ông Thiện bị tòa án Toulouse xử bốn tháng tù giam và trục xuất về nước.
Ra tù, ông bà Thiện vẫn bị quản thúc chặt chẽ, nhà cửa bị kiểm soát gắt gao, nhất là những ngày lễ như 1 tháng 5. Tuy được đoàn tụ,  trong lòng cặp vợ chồng trẻ mới cưới vẫn không nguôi tinh thần cách mạng, chỉ có điều bây giờ họ phải tìm ra cách hoạt động riêng phù hợp với hoàn cảnh của mình. Quá trình tham gia hoạt động khiến ông bà Thiện hiểu rằng chỉ có tinh thần chưa đủ, Đảng cũng cần có tiền để tổ chức hoạt động cách mạng: “Một thế lực vật chất chỉ có thể đánh đổ bằng một lực lượng vật chất”. Với ý nghĩ đó ông bà Thiện trở về với công việc làm ăn đời thường. Trong thời kỳ Mặt trận bình dân 1936 – 1939 ông bà Thiện đã ủng hộ tiền và hoạt động cho báo Le Travail, tham gia vận động bầu người của Đảng vào Viện dân biểu. Đến đầu những năm 40 thì ông bà Thiện đã được giới tư sản Hà Nội biết tiếng và kính nể. Có lẽ không chỉ vì khả năng giao tiếp và nhậy bén trong kinh doanh, cũng không chỉ vì mới sau ít năm ông bà Thiện đã là chủ của một tài sản lớn (tiệm buôn tơ ở Hàng Gai, nhà máy dệt ở Gia Lâm, và đồn điền cà phê ở Chinê rộng 9km, dài 13km, trị giá tới hai ngàn lượng vàng ...), mà chủ yếu là vì cái tâm và tấm lòng hào hiệp “rất người” của hai nhà tư sản trẻ tuổi này: họ giúp đỡ bạn bè, đồng chí thật tận tình và vô tư.
Vượt ngục Sơn La năm 1943, ông Nguyễn Lương Bằng đóng giả một người buôn tơ đến nhà riêng ông bà Thiện ở 54 Hàng Gai. Được ông Bằng cho biết Đảng đang rất khó khăn về tài chính để tổ chức hoạt động, bà Thiện đã đưa ông Bằng ba vạn đồng Đong Dương để góp phần vào quỹ Đảng. Nhắc lại sự kiện trên, đồng chí Trường Chinh nói: “Khi nhận được ba vạn đồng Đông Dương chị gửi cho qua anh Nguyễn Lương Bằng, quỹ Đảng chỉ còn hai mươi bốn đồng”. Ông Nguyễn Tạo viết: “Cuối tháng 12-1932 tôi vượt ngục Hỏa Lò, đồng chí Trịnh Thị Điền liên lạc với đồng chí Nguyễn Thụy Nhâm giúp đỡ tôi. Năm 1943 tôi vượt ngục Ban Mê Thuột ra tới Hà Nội, đồng chí Trịnh Thị Điền lại liên lạc, cho tôi hai vạn đồng Đông Dương để tổ chức hoạt động cách mạng”. Đầu năm 1945 ông bà Thiện lại chuyển đến ông Nguyễn Lương Bằng mười vạn đồng Đông Dương nữa.
Lần đầu gặp Bác vào một ngày thu năm ấy (do ông Nguyễn Lương Bằng giới thiệu) mãi mãi là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời ông bà Thiện. Sự giản dị, thân mật và sức hấp dẫn của Bác đã nhanh chóng cảm hóa ông bà, và cũng từ đấy gia đình ông bà trở thành chỗ thân thiết, tin cậy của Người.
Cách mạng tháng Tám thành công, nhà riêng ông bà Thiện ở 54 Hàng Gai đã biến thành một “nhà khách Chính phủ”, lúc nào cũng nườm nượp khách. Khách từ Việt Bắc xuống, từ Nam Bộ ra, ăn uống, nghỉ ngơi, may mặc bằng vải do nhà máy Gia Lâm của nhà dệt. Bác cũng đã qua lại, tiếp khách và nghỉ tại đây. Được Bác giao làm tiệc ở 58 Nguyễn Du để Bác tiếp các tướng Tiêu Văn và Lư Hán bà Thiện đã lo rất chu tất. Bà Lê Thị Thanh(*) (người được phân công chăm lo sinh hoạt cho Bác) vẫn còn nhớ rằng bộ ka-ki Bác mặc hôm đọc tuyên ngôn Độc lập là do bà Thiện may cho Bác.
Buổi đầu xây dựng, nhà nước non trẻ còn nhiều khó khăn, Quỹ Độc Lập được lập ra để kêu gọi nhân dân đóng góp tiền của cho Chính phủ. Ông Thiện được cử phụ trách Quỹ Độc Lập trung ương (Quyết định bổ nhiệm nay trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh). Bản thân ông bà Thiện đã ủng hộ quỹ này mười vạn đồng Đông Dương (trị giá khoảng 4kg vàng). Trong tuần lễ vàng do Bác Hồ phát động, ông bà Thiện lại đóng góp 4kg vàng nữa. Một tờ báo thời ấy đã đăng mẩu tin sau đây: “Ngày 7-10-1931, một sinh viên tòng học năm thứ ba Đại học khoa học ở Toulouse bị bắt ở ga Mâtblan vì tặng bánh mì có truyền đơn nhét vào trong ruột cho binh lính Việt Nam mãn hạn lên tàu về nước. Truyền đơn này xúi giục binh lính khi trở về nước thì bất tuân thượng lệnh và hưởng ứng phong trào cách mạng. Ngày 19-11 năm đó, sinh viên ấy bị tòa án Toulouse phạt bốn tháng tù, sau khi nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc mình làm, nhưng không chịu khai ai là đồng phạm. Sinh viên ấy, một đảng viên cộng sản, tên là Đỗ Đình Thiện, người mà ai nấy đều biết tiếng về Tuần lễ vàng vừa rồi”. Bà Lê Thị Thanh thường nói: “Bà Thiện vận động quần chúng rất giỏi. Trong Tuần lễ vàng, Bà vận động được nhiều nhà giàu đóng góp cho Chính phủ ...”. Bà Thiện là một trong những sáng lập viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: cùng với bà Lê Thị Xuyến và bà Thục Viên, bà Thiện được Bác Hồ giao nhiệm vụ vận động thành lập Hội (Bà Thiện là ủy viên trung ương Hội từ khi thành lập đến năm 1955). Có một lần, để biểu thị niềm tin yêu của nhân dân đối với lãnh tụ, thành phố Hà Nội tổ chức bán đấu giá bức chân dung Bác Hồ của họa sỹ Nguyễn Sáng. Ông Đỗ Đình Thiện đã trả giá cao nhất, và ngay sau đó tuyên bố tặng bức tranh này cho UBHC thành phố. Thế là cuộc bán đấu giá biến thành một đám rước chân dung Hồ Chủ tịch về treo tại Trụ sở Ủy ban.
Cuộc đàm phán Việt – Pháp tại Fontainebleau không đạt được kết quả. Phái đoàn Việt Nam về nước. Bác lưu lại Paris thêm một thời gian để tiếp tục vận động cho hòa bình ở Việt Nam. Cuốn nhật ký làm việc của Bác do ông Đỗ Đình Thiện ghi, nay lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng, cho thấy trong thời gian này Bác đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc với đại sứ các nước lớn, các danh nhân văn hóa, các nhà khoa học ... để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của họ. Và cuối cùng, để “kéo dài” những ngày hòa bình quý báu nhằm có thêm thời gian chuẩn bị, Bác đã ký với Pháp bản Tạm ước 14-9-1946.
Tình hình trong nước ngày một xấu đi do những hành động khiêu khích của phía Pháp. Nhiều người bắt đầu lo lắng vì có tờ báo gợi ý thô bạo: “Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề Việt Nam là: nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đang có mặt ở Pháp, chúng ta hãy giữ Người ở lại đây!”. Ngày 20-10-1946, chiếc Thông báo hạm Dumont d’Urville, với đoàn thủy thủ người Pháp gồm 150 sĩ quan và lính thủy, đưa Bác về đến cảng Hải Phòng. Cùng về với Bác, ngoài hai tùy tùng của Người là ông Đỗ Đình Thiện và Đại tá cận vệ, còn có bốn trí thức Việt kiều là các ông kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), kỹ sư Võ Quý Huân, kỹ sư Võ Đình Quỳnh và bác sỹ Trần Hữu Tước. Bác và mọi người trong đoàn về Hà Nội trước, ông Thiện còn ở lại Hải Phòng tiếp đoàn thủy thủ. Tới Hà Nội, Bác liền cho gọi bà Thiện lên gặp và bảo: “Bác đưa chú Thiện về trả cô nguyên vẹn đấy nhé!”. Chả là, trong thời gian ở Pháp, khi tháp tùng Bác đi thăm Normandie cùng với Sainteny, ông Thiện đã thoát chết trong một tai nạn ôtô rất nguye hiểm mà một số báo Pháp đã không giấu sự nghi ngờ của họ rằng đó là một “vụ mưu sát Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Bầu không khí Hà Nội mỗi ngày một thêm căng thẳng, chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Ông bà Thiện gửi bốn con nhỏ cho một người bạn ở Vân Đình và mua trữ trong nhà khá nhiều súng đạn và lựu đạn. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông Thiện, trong cương vị Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến Khu Hoàn Kiếm, và bà Thiện, phụ trách tiếp tế cứu thương, đã cùng tự vệ thành chiến đấu cầm cự với địch. Tại phố Hàng Gai, địch chiếm bên số lẻ, ta giữ bên số chẵn, cuộc đấu súng và giành giật thật quyết liệt! Sau mười ngày đêm chiến đấu, có liên lạc vào đón, ông Thiện tổ chức đưa hơn ba trăm người vượt qua gầm cầu Long Biên vào ban đêm, dưới ánh đèn pha canh chừng và những loạt đạn tiểu liên vu vơ của địch từ trên cầu, rút ra vùng tự do theo hướng Chèm. Trong giây phút hiểm nghèo, ông bà Thiện bảo nhau hãy “cố” sống lấy ít nhất một trong hai người để bọn trẻ khỏi bơ vơ. Trong lần gặp gần đây, Giáo sư Đỗ Long Vân, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, con trai ông bà Đỗ Đình Thiện, kể với tôi: “Đêm 19-12-1946, bốn chị em chúng tôi đứng trên bờ đê Vân Đình, nước mắt lưng tròng nhìn về bầu trời Hà Nội rực đỏ, lòng đầy lo lắng cho số phận của bố mẹ chúng tôi”.
... Những ngày đầu chín năm chống Pháp, đồn điền Chinê của ông bà Thiện trở thành “binh trạm” của kháng chiến. Bác và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước thường qua lại, dừng chân nơi đây trên đường lên chiến khu Việt Bắc. Một buổi tối đã khuya, trên đường đi công tác, Bác ghé qua thăm gia đình ông bà Thiện. Trước lúc lên đường, Bác không quên dành cho “thằng bé con” Đỗ Long Vân của ông bà một cái hôn mặc dù cháu đã ngủ say. Đồn điền Chinê đã là nơi đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là nơi bồi dưỡng nhiều đoàn quân trên đường Nam tiến hoặc trước khi vào chiến dịch. Tôi lật xem cuốn an-bom kỷ niệm của gia đình, và dừng lại ở trang có bức “thư – công văn” đề ngày 21-1-1947 của Vệ quốc đoàn Chiến Khu Hai gửi ông Đỗ Đình Thiện. Bức thư viết: “Toàn thể bộ đội Khu Hai rất cảm động được Ngài ủng hộ vụ lúa thu trong quí đồn điền năm 1946 và 1947. Vậy nhân danh Bộ chỉ huy tối cao chiến Khu Hai, chúng tôi xin thay mặt toàn thể bộ đội trân trọng gửi Ngài lời cảm ơn. Với lòng tha thiết của Ngài trong công cuộc kháng chiến hiện nay, toàn thể bộ đội Khu Hai xin hứa luôn luôn nỗ lực chiến đấu, quyết hợp lực cùng toàn dân phá tan kế hoạch mùa đông của địch để xứng với nhiệt tình Ngài đã giành cho”. Cuối thư ký tên Khu trưởng Hoàng Sâm và Chính trị ủy viên Lê Hiến Mai. Riêng vụ lúa ấy ông bà Thiện đã ủng hộ bộ đội hai trăm tấn thóc. Thật ra, những chuyện ông bà Thiện ủng hộ việc này việc nọ thì nhiều lắm. Và nhiều việc ông bà làm mà không bao giờ nhắc tới nữa. Chỉ mãi sau này, những người có liên quan hoặc chứng kiến kể lại thì con cháu trong nhà mới được biết. Chẳng hạn, ông Đang kể rằng, những ngày mới giành chính quyền, ông được giao nhiệm vụ mở một lớp đào tạo khoảng ba trăm cán bộ thanh niên trong ba tháng nhưng không kiếm đâu ra tiền. Ông tìm đến trình bày với ông Thiện, và ông Thiện đã tài trợ cho cả khóa học này. Hoặc giả ông Thiện cũng đã ủng hộ tiền làm giải thưởng cho cuộc thi hội họa đầu tiên sau cách mạng mà trong đó họa sỹ Trần Văn Cẩn đoạt giải nhất ...
Ngày 22-2-1947, tám máy bay khu trục Pháp oanh tạc đồn điền Chinê. Tài sản của ông bà Thiện bị thiêu hủy nặng nề. Riêng kho cà phê trúng đạn lửa cháy âm ỷ suốt ba tháng không sao cứu chữa được. Biết tin này, Bác gửi tới ông bà Thiện tấm thiếp chia buồn như sau: “Chú thím Thiện. Được tin chú thím và các cháu đều bình an. Tôi rất vui lòng. Mất của cải, không sợ (Còn trời còn nước còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ). Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng”.
Ít ngày sau đó, ông bà Thiện đưa cả gia đình lên Việt Bắc theo đuổi cuộc kháng chiến chín năm. Những năm kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng ấy, hễ có dịp đi công tác qua là Bác lại ghé thăm gia đình ông bà Thiện. Thỉnh thoảng gia đình ông bà lại nhận được một “mẩu” thư xinh xinh của Bác như “Cảm ơn các cháu, Biếu Bác trứng rau. Bác chúc các cháu, Học hành tiến mau”, “Gởi chú thím Thiện. Cảm ơn chú thím đã gởi biếu một bộ quần áo rất đẹp, nhất là cái zì cũng tự tay mình làm lấy. Nghe nói các cháu thêu khéo, Bác gởi lời khen các cháu. Thân ái. 12/48. Bác”...
Đến hôm nay, ông Đỗ Đình Thiện đã đi với Bác Hồ về cõi Tiên được 23 năm rồi. Còn bà Thiện, tuy tuổi cao sức yếu, nhưng đôi mắt sáng và gương mặt vẫn toát lên vẻ đôn hậu, đoan trang của một người Hà Nội. Gia đình ông bà Thiện còn lưu giữ khá nhiều kỷ vật quý, bằng chứng của cuộc đời sống động của ông bà, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với Bác Hồ kính yêu.
Tạm biệt gia đình, rời khỏi ngôi nhà 76 Nguyễn Du, bước ra đường phố sôi động của “thời kỳ mở cửa”, lòng tôi không nguôi xúc động khi nghĩ đến những cuộc đời, những con người đã gắn bó và cống hiến cho cách mạng thật lớn lao mà không mảy may kể công hoặc đòi hỏi hưởng thụ, vẫn vô tư, trong sáng đến tuyệt vời. Bất giác tôi chợt nghĩ: đành rằng, trong thời kỳ đổi mới của đất nước hôm nay, làm giàu và mưu cầu hạnh phúc là nguyện vọng chính đáng của mọi người, song giá như mỗi người đều làm giàu một cách chân chính bằng bàn tay khối óc của mình, đều biết kết hợp hài hòa giữa cái riêng với cái chung thì cuộc đời sẽ đẹp biết bao, đất nước sẽ tiến nhanh biết bao! Điều đó chắc hẳn có thể thực hiện được khi đã có những con người lớp trước như tấm gương trong.
Hà Nội 8/95


* Bà Lê Thị Thanh là người được Trung ương cử, đảm nhiệm việc nấu cơm và chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ suốt máy chục năm (từ ngày Bác về Pắc Bó đến khi Bác qua đời). Báo Phụ nữ Việt Nam số kỷ niệm 19-5-1995 đã có bài giới thiệu về bà Lê Thị Thanh của tác giả Khuất Biên Hòa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét