Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà

Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà Blog này, nơi Lưu giữ những bài viết về Cụ Đỗ Đình Thiện- Trịnh Thị Điền

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

MỘT NHÀ TƯ SẢN TÂM PHÚC

Cao Lan Anh 
(Thời báo ngân hàng số 46, 9-15/11/1995)

LTS: Không ai có thể quên được công lao của các nhân sĩ, các nhà tư sản yêu nước đã hiến trọn cả đời mình, cả tài sản cho cách mạng. Lịch sử ngành in mãi mãi ghi nhận cống hiến của các nhà tư sản Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền; Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ; Ngô Tử Hạ, những người “xây nền, đắp móng” cho Nhà in Ngân hàng (tiền thân là Cơ quan ấn loát in tiền Bộ Tài chính).
          Hồi ấy, căn nhà số 54 – Hàng Gai có hiệu Cát Lợi vốn là cửa hàng bán tơ lụa nổi tiếng của gia đình nhà tư sản Đỗ Đình Thiện, ở đất Hà Thành. Không ngờ trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, nơi đây trở thành chỗ qua lại tin cẩn của các vị lãnh tụ. Cụ Trịnh Thị Điền (tức cụ bà Đỗ Đình Thiện) kể lại: Vào một ngày cuối thu năm 1945, lần đầu tiên bà được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hôm đó Người cùng Bác Cả (tức ông Nguyễn Lương Bằng) tới thăm. Sau lời giới thiệu của Bác Cả, Người cười thân mật, hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện làm ăn như đã quen biết từ lâu. Người còn biết, bà có tiệm buôn tơ lụa ở Hà Nội, nhà máy dệt ở Gia Lâm, cả đồn điền cà phê lớn ở Chinê (Hòa Bình) mua lại của một chủ người Pháp năm 1943 với giá 2.000 lượng vàng.
Sau đó không lâu, tháng 5-1946 Bác Cả lại đến 54 Hàng Gai thông báo: Hồ Chủ tịch muốn mời ông Đỗ Đình Thiện tháp tùng Ngày đi Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-bơ-lô với tư cách là thư ký riêng. Bác Cả có nói với ông Thiện: “Nếu anh tìm được người đủ tin cậy thay anh thì anh có thể ở lại”. Và thế là ông Đỗ Đình Thiện nhận lời.
Không phải đến lúc này ông Đỗ Đình Thiện và bà Trịnh Thị Điền, những nhân sĩ yêu nước, những nhà tư sản dân tộc mới biết đến cách mạng mà từ những năm 30-31 cả hai cụ đã tham gia hoạt động bí mật. Cụ bà kể lại: năm 1930 theo yêu cầu của tổ chức (bà Nguyễn Thị Minh Khai và bà Phụ), bà xuống Hải Phòng hoạt động để gay dựng cơ sở. Đến năm 1931, bà bị địch bắt, giam chung với các ông Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Đỗ Ngọc Du, Lê Duẩn ...
Cách mạng tháng Tám thành công, căn nhà 54 Hàng Gai thành “nhà khách” của Chính phủ, các phái đoàn Nam Bộ, Phụ nữ Nam Bộ... đều đã qua đây. Lúc này ông Đỗ Đình Thiện được cử phụ trách “Quỹ độc lập” trung ương. Ông đã đóng góp vào quỹ này mười vạn đồng tiền Đông Dương (trị giá 4kg vàng). Sau đó, trong “Tuần lễ vàng” ông bà Thiện lại ủng hộ 4kg nữa. Những đóng góp cụ thể cho nền tài chính cách mạng, cho sự nghiệp in tiền Chính phủ và cho ngành Ngân hàng của ông bà Thiện được bắt đầu từ đây.
Ngoài việc cùng với các nhà tư sản Trịnh Văn Bô và các nhân sỹ khác xây dựng Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam) – ông bà Thiện đã tham gia gần nửa cổ phần – theo đề nghị của ông Nguyễn Lương Bằng, ông bà Thiện đã đứng tên mua lại nhà in Tô Panh làm cơ sở in bạc cho Cơ quan ấn loát Bộ Tài chính. Khi đó chỉ có nhà in Tô Panh mới có hệ thống máy móc từ máy chụp ảnh, hệ thống máy đánh kẽm, buồng phơi, máy in thử và máy ốp sét... và máy li-nô-típ đúc chữ, số, khuôn bạc để in trên máy Vich-tô-ria và elby. Sau khi mua được nhà máy, Chính phủ đã cho di chuyển toàn bộ máy móc thiết bị lên đồn điền Đỗ Đình Thiện ở Chinê (Cỗ Nghĩa, huyện Lạc Thủy – Hòa Bình).
Đánh hơi thấy sự di chuyển của ta, quân Pháp ra sức lùng sục, hòng phá hoại cơ đồ cách mạng. Ngày 22-2-1947, tám máy bay khu trục Pháp chia làm hai tốp quần đảo, oanh tạc đồn điền Đỗ Đình Thiện (rộng 9km, dài 13km). Tám quả bom đã rơi đúng vào khu vực kho cà phê, lửa cháy ngút trời suốt ba tháng ròng không dập tắt nổi. May thay, toàn bộ máy móc in được để trong một hang đá (trong khu vực đồn điền) vẫn an toàn. Nhận được tin này, Hồ Chủ tịch đã gửi một tấm thiếp thăm hỏi: “Chú thím Thiện. Được tin chú thím, nhà Hiền (là bạn, đồng thời là người giúp việc cho ông bà Thiện – TG) và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải, không sợ (Còn trời, còn nước, còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ) kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng”.
Sau trận càn đó, cả gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện cùng anh em công nhân lại ba lô trên vai, trèo đèo lội suối, đưa máy móc lên vùng tự do Chiêm Hóa (Tuyên Quang) xây dựng nhà in, để lại đồn điền với hàng ngàn gốc cà phê, hàng ngàn gia súc cho chính quyền địa phương và các đơn vị bộ đội quản lý.
Đã 50 năm trôi qua, kể từ ngày Cơ sở in ấn loát Bộ Tài chính được thành lập, đến nay Nhà in Ngân hàng đã trưởng thành, nhưng tấm lòng cao cả vì nghĩa lớn của ông bà Đỗ Đình Thiện vẫn là tấm gương sáng không bao giờ bị phai mờ về một lòng tận trung với nước với dân tộc. Ông Đỗ Đình Thiện đã qua đời ở tuổi 69 (năm 1972), ông không được cùng bà (bà Trịnh Thị Điền năm nay 84 tuổi đang bị bệnh nặng) chứng kiến ngày thăng hoa của cách mạng trên con đường đổi mới. Nhưng những tư tưởng và việc làm của “nhà tư sản của cách mạng” Đỗ Đình Thiện thật xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng của nhân dân, như lời khấn của một người bạn hữu trước vong linh ông: “Giàu không bỏ bạn, nghèo không bỏ bạn. Gian nan vẫn thủy chung với bạn! Suốt một đời chúng tôi theo học cái nghĩa tình trước sau như nhất của Anh”.
Hà Nội 11-1995

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét