Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà

Cháu Kim Hoa kính tặng Ông -Bà Blog này, nơi Lưu giữ những bài viết về Cụ Đỗ Đình Thiện- Trịnh Thị Điền

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

NĂM MỚI KỂ VỀ CÂU CHUYỆN KHÔNG CŨ


Trang Thu
(Tạp chí Ngân hàng số 1+2, 2000)

Đây gần như là một câu chuyện cổ tích về những con người Hà Nội xưa mà nếu như không đặt mình vào khung cảnh hào hùng trong những năm tháng kháng chiến sục sôi của dân tộc thì có lẽ chúng ta không thể nào hiểu được những cống hiến quên mình đến mức khó tin của họ. Bước sang thế kỷ XXI, liệu những thế hệ sau có còn biết trân trọng những kỷ niệm cũ hay là để những con người, hình ảnh, sự kiện của quá khứ chìm sâu trong các kho tư liệu và nghiễm nhiên an hưởng cuộc sống mà không chút băn khoăn, xem thế hệ trước không hy sinh nhiều đến thế thì cuộc sống ấy liệu sẽ đi về đâu?
Nhân dịp kỷ niệm 51 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đặc san “Công an nhân dân” (Bộ Công an) đã viết: “Ở Hà Nội có một cặp vợ chồng mà cuộc sống của họ dường như đã đi vào huyền thoại, bởi những đóng góp tích cực trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tuy họ không cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận mà âm thầm, lặng lẽ, nhưng quyết liệt và táo bạo nhằm góp phần nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng. Cặp vợ chồng ấy chính là cụ Đỗ Đình Thiện (một trong số thư ký đầu tiên của Bác Hồ khi Cách mạng còn trong thời kỳ trứng nước) và cụ bà Trịnh Thị Điền [1].
Tất nhiên, khi ông Đỗ Đình Thiện (1903-1972) và bà Trịnh Thị Điền (1911) tham gia hoạt động cách mạng thì cũng có nghĩa là quên cả sự sống của bản thân, đâu còn những suy tính thiệt hơn nữa. Ông Thiện đã nói với người bạn học Trịnh Đình Cửu trước ngày đi du học là “chứng nào tim tôi còn đập thì máu tôi còn nóng”. Có lẽ đó là câu trả lời giản dị nhất cho những cống hiến to lớn không ngừng nghỉ của hai ông bà đối với Tổ quốc.
Ông Đỗ Đình Thiện là con út trong một gia đình viên chức, mồ côi cha từ lúc 5 tháng tuổi. Thời học sinh, ông học ở trường Hàng Vôi, nhưng vì tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh nên ông bị đuổi học, phải “đổi khai sinh” xuống Nam Định. Ông nuôi chí du ngoại từ rất sớm, nhưng mẹ ông không muốn đểcngwời con út xa nhà nên đã nghĩ ra mẹo hỏi vợ để cầm chân ông. Đã coi mặt 3, 4 đám nhưng ông Thiện đều không ưng. Sau nhờ anh em ông Cát Thành, Cát Tường, thành viên phong trào “Đông Kinh nghĩa thục” giới thiệu cho ông Thiện và bà Điền gặp nhau, ưng thuận rồi làm lễ ăn hỏi. Nhưng không vì thế mà ông thay đổi kế hoạch đi Pháp du học. Đó là năm 1927, bà vừa tròn 16, còn ông mới bước sang tuổi 24.
Ở Pháp, ông Thiện vừa học vừa tham gia hoạt động cách mạng, rồi vào Đảng Cộng sản Pháp. Đã có lúc ông đi học nghề thợ sơn để hưởng ứng chủ trương “vô sản hóa” ở trong nước. Một tờ báo sau này đã đăng mẩu tin “7/10/1931, một sinh viên tòng học năm thứ 3 trường Đại học khoa học ở Tu-lu-dơ bị bắt ở ga Ma-la-bơ-lăng vì tặng bánh mì có truyền đơn nhét vào trong ruột cho binh lính Việt Nam mãn hạn lên tàu về nước. Truyền đơn này xúi giục binh lính khi trở về nước thì bất tuân thượng lệnh và hưởng ứng phong trào cách mạng 19/11/ năm đó, sinh viên ấy bị Tòa án Tu-lu-dơ phạt 4 tháng tù sau khi nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc mình làm, nhưng không chịu khai ai là đồng phạm. Sinh viên ấy, một đảng viên cộng sản, tên là Đỗ Đình Thiện”.
Tuổi thơ của bà Trịnh Thị Điền cũng không hề dễ dàng. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm lên 4, ở với người anh cùng cha khác mẹ, cuộc sống vất vả đã biến bà thành một con người trầm tư, sống nội tâm và đầy nghị lực. Trong khi ông Thiện đang du học ở Pháp thì cô Điền ở trong nước, qua sự giới thiệu của cậu em họ là Ngô Đình Mẫn, bắt đầu tham gia hoạt động ở chi bộ phố Huế của Đảng Tân Việt. Đầu năm 1930, sau khi ba đảng hợp nhất, chủ trương tăng cường gây dựng cơ sở ở Hải Phòng-Hòn Gai là nơi tập trung nhiều công nhân, cô quyết dịnh thoát ly gia đình xuống hoạt động trong tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Hải Phòng. Cô để lại cho người anh một lá thư tỏ ý chán đời muốn đi tu. Anh cô tưởng thật đã cho in ảnh cô nhờ Sở cảnh sát tìm kiếm khắp các chùa chiền.
Tại Hải Phòng, cô bắt liên lạc với ông Nguyễn Tạo, là người cùng hoạt động ở chi bộ phố Huế trước đây. Nhóm hoạt động của cô còn có ông Chức, ông Sáng và 2, 3 công nhân in có nhiệm vụ in tài liệu, làm giấy thuế thân và căn cước giả để các đồng chí đi hoạt động. Cô Điền bán sợi dây chuyền 2 chỉ vàng để mở quán cơm làm địa điểm liên lạc vận động công nhân. Cô cũng thường chuyển tài liệu về Hà Nội, Hòn Gai. Bản thân cô còn phải lo tránh mặt người quen, sợ bị nghi ngờ vì đi tu chùa sao lại lang thang ở Hải Phòng, Quảng Ninh, làm sao tránh khỏi tù tội? Và rồi cô bị tù thật do bị một tên phản bội chỉ điểm. Cô bị thực dân Pháp bắt giam ở Sở cẩm Hải Phòng, sau giải về Sở mật thám Hà Nội. Đoạn đời hoạt động trước đây đã nhiều cơ cực thì đòn tù của Pháp còn kinh hãi hơn đến mức khó có thể tưởng tượng nổi! Nhưng cũng nhờ ở tù mà cô Điền được làm quen với các nhà cách mạng vừa bị bắt ở Thượng Hải về như Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Đỗ Ngọc Du, ... Đồng chí Lê Duẩn cũng gặp ở trong lao và sau này đã có lần nói với con gái cụ Điền: “Mẹ cháu tốt lắm, ở trong tù mẹ cháu còn nhường cơm cho chú đấy!”.
Cuối năm 1931, cô gái Hà Nội 21 tuổi Trịnh Thị Điền đã quyết tuyệt thực một tuần liền để phản đối việc tra tấn dã man và ngược đãi phụ nữ, Sợ cô chết, Pháp phải đưa cô ra điều trị ở nhà thương Phủ Doãn và sau đó đã phải trả tự do cho cô sau 6 tháng giam giữ, chẳng khai được gì.
Ra tù, cô Trịnh Thị Điền lại tiếp tục liên lạc, tiếp tế cho các đồng chí bị tù và đã gửi 2 lưỡi cưa sắt bằng nửa ngoán tay út nhét trong đôi dép dừa để giúp các đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Lương Bằng cùng một số đồng chí khác vượt ngục tại nhà thương Phủ Doãn trong đêm Noel 1931. Trong phong trào Mặt trận Bình dân 1936-1939, cô Điền đã tích cực tham gia vận động phụ nữ đấu tranh công khai, vận động bầu người của Đảng vào Viện Dân biểu, vận động ủng hộ tài chính để in báo Lao động.
Cùng thời gian này, ông Đỗ Đình Thiện bị bắt tại Pháp, phải ngồi tù một thời gian, sau đó bị trục xuất về nước. Bị quản thúc chặt chẽ, nhà cửa thường xuyên bị khám xét, ông bà Đỗ Đình Thiện trở về với công việc đời thường, mở hiệu buôn bán tơ lụa rồi tậu đất, dựng nhà máy, đồn điền. Đến đầu những năm 40 thì ông bà Thiện đã được giới tư sản Hà Nội biết tiếng và kính nể. Ông bà Thiện còn sẵn sàng nhận một số bạn vừa ở tù ra vào làm việc như Vũ Đình Huỳnh làm ở tiệm buôn, Nguyễn Tuấn Thức và Lê Văn Hiền làm ở đồn điền Chinê (Cổ Nghĩa, Hòa Bình). Đây là một đồn điền cà phê lớn ở Chinê, mua lại của một chủ người Pháp năm 1943 với giá 2.000 lượng vàng. Việc nhận các đồng chí vào làm việc, trước hết là để anh em có việc làm, sau là để tiện liên lạc với cách mạng.
Năm 1943, ông Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La, đóng vai một người buôn tơ đến tìm ông Thiện tại 54 Hàng Gai. Ông Bằng cho biết Đảng đang rất khó khăn về tài chính. Bà Điền lên gác mở tủ đưa ông Bằng 3 vạn đồng Đông Dương. Năm 1972, trong một lần tiếp bà Điền tại nhà riêng, đồng chí Trường Chinh có nói: “Khi chúng tôi nhận được số tiền 3 vạn đồng Đông Dương chị gửi cho qua anh Nguyễn Lương Bằng, quĩ Đảng chỉ còn 24 đồng”. Đầu năm 1945, ông bà Thiện lại nhờ ông Vũ Đình Huỳnh chuyển tới ông Nguyễn Lương Bằng 10 vạn đồng Đông Dương nữa. Ông Nguyễn Tạo cũng ghi nhận “Cuối tháng 12/1932, tôi vượt ngục ở Hỏa Lò. Đồng chí Trịnh Thị Điền lại liên lạc với đồng chí Nguyễn Thụy Nhân giúp đỡ tôi. Năm 1943, tôi vượt ngục Ban Mê Thuột ra tới Hà Nội, đồng chí Trịnh Thị Điền lại liên lạc, cho tôi 2 vạn đồng Đông Dương để tổ chức hoạt động cách mạng.”
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà riêng ông bà Thiện ở 54 Hàng Gai trở thành “nhà khách” của Chính phủ. Các phái đoàn Nam bộ, Phụ nữ Nam bộ, ... đều đã qua đây nghỉ ngơi, ăn uống, may quần áo. Bác cũng đã mời cơm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại đây. Bà Điền còn được giao tổ chức tiệc ở phố Nguyễn Du để Bác tiếp các tướng Tiêu Văn, Lư Hán. Ông Thiện khi ấy được cử phụ trách “Quĩ độc lập” trung ương và đã góp vào quĩ này 10 vạn đồng Đông Dương (trị giá 4kg vàng). Trong tuần lễ vàng, ông bà Thiện lại ủng hộ 4kg nữa.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông với tư cách là phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Hoàn Kiếm, bà phụ trách tiếp tế cứu thương, đã cùng tự vệ thành chiến đấu bảo vệ thủ đô trong 10 ngày đêm, sau đưa hơn 300 cán bộ, nhân dân bí mật theo đường Chèm rút ra vùng tự do. Những ngày đầu kháng chiến, đồn điền Chinê của ông bà Đỗ Đình Thiện trở thành “binh trạm” của Việt Minh, là nơi qua lại, dừng chân của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước trên đường lên chiến khu Việt Bắc, là nơi dưỡng sức của nhiều đoàn quân trước khi ra mặt trận. Bác Hồ cũng đã qua lại nơi đây nhiều lần. Vụ lúa thu 1946-1947, ông bà Thiện đã ủng hộ Vệ quốc đoàn Chiến khu Hai khoảng 200 tấn thóc. Trong thư đề ngày 21/1/1947, khu trưởng Hoàng Sâm và chính trị viên Lê Hiến Mai gửi ông Đỗ Đình Thiện đã viết “Toàn thể bộ đội Khu Hai rất cảm động được Ngài ủng hộ vụ lúa thu trong quí đồn điền năm 1946 và 1947. Vậy nhân danh Bộ chỉ huy tối cao chiến Khu Hai, chúng tôi xin thay mặt toàn thể bộ đội trân trọng gửi Ngài lời cảm ơn. Với lòng tha thiết của Ngài trong công cuộc kháng chiến hiện nay, toàn thể bộ đội Khu Hai xin hứa luôn luôn nỗ lực chiến đấu, quyết hợp lực cùng toàn dân phá tan kế hoạch mùa đông của địch, để xứng với nhiệt tình Ngài đã giành cho”[1].
Giữa năm 1946, ông Đỗ Đình Thiện, trong cương vị thư ký riêng, đã tháp tùng Bác trong chuyến ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tại sân bay Gia Lâm, khi máy bay cất cánh, mẹ ông đã không cầm được nước mắt, có lẽ vì cụ hiểu rõ tầm quan trọng cũng như những nguy hiểm có thể đến trong chuyến đi này. Và trong thời gian ở Pháp, khi tháp tùng Bác đi thăm Nooc-măng-đi cùng với Sanh-tơ-ni, ông đã bị tai nạn ôtô rất nặng, nhưng may mắn thoát chết. Về vụ tai nạn này, một số tờ báo Pháp lúc bấy giờ đã đặt dấu hỏi: “Phải chăng đây là một vụ mưu sát trượt Chủ tịch Hồ Chí Minh?”.
Sau cách mạng Tháng Tám, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, ông Đỗ Đình Thiện đã đứng tên và bỏ tiền ra mua lại nhà in Tô-panh của Pháp (vì người Pháp không chịu bán cho Chính phủ ta) và hiến cho Chính phủ ta để lập nhà in tiền. Trước âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa của giặc Pháp, để bảo vệ an toàn cho việc in tiền, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra lệnh tháo dỡ, vận chuyển toàn bộ máy móc về tổ chức in tiền tại đồn điền Chinê. Ông bà Đỗ Đình Thiện đã dành một địa điểm thích hợp tại đó, đồng thời cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước của đồn điền Chinê để đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do ông Phạm Quang Chức phụ trách. Tại đây, tờ giấy bạc “con trâu xanh” 100 đồng ra đời [1].
Ngày 22/2/1947, Bác Hồ về thăm nhà máy tại Chinê. Sau khi thăm nơi sản xuất, chỗ ăn ở của công nhân, Bác căn dặn “Người công nhân là người cách mạng nhất, các chú là người công nhân phải sống và làm việc gương mẫu, các chú phải giữ gìn phẩm chất của người cách mạng. Hiện nay kẻ thù của ta đang tìm các cơ sở kháng chiến như nhà máy này để đánh phá. Các chú phải giữ gìn bí mật. Trong lao động các chú phải đoàn kết thương yêu nhau” [2].
Đánh hơi thấy sự di chuyển của ta, quân Pháp ra sức lùng sục. Ngày 22/2/1947, 8 máy bay khu trục Pháp chia làm 2 tốp quần đảo, oanh tạc đồn điền Chinê. Tám quả bom đã rơi đúng vào khu vực kho cà phê, lửa cháy suốt ba tháng ròng không dập tắt nổi, nhưng toàn bộ máy móc in được để trong một hang đá trong khu vực đồn điền thì vẫn an toàn. Nhận được tin, Bác Hồ đã gửi thiếp thăm hỏi: “Chú thím Thiện, được tin chú thím, nhà Hiền** và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải, không sợ (còn trời, còn nước, còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ), kháng chiến thành công ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng” [1].
Sau trận bom đó, ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình gồm mẹ già và 4 con (nhỏ nhất 4 tuổi và lớn nhất mới 12 tuổi) lên Việt Bắc, theo đuổi cuộc kháng chiến 9 năm. Ông Đỗ Đình Thiện cũng đeo ba lô, cùng trèo đèo, lội suối cùng anh em công nhân để xây dựng nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy cơ khí đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc. Ông bà cũng đóng góp gần nửa cổ phần để xây dựng Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).
Cụ Điền khi kể về người chồng đã khuất của mình (ông mất ngày 1/1/1972, thọ 69 tuổi) đã nói “Ông tôi làm giám đốc nhưng không hưởng lương. Ông bảo hưởng lương khó làm việc lắm, không lương dễ nói hơn. Trong kháng chiến ông tôi không nhận lương, hòa bình rồi, làm ủy viên trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng không có lương. Cho đến lúc ốm, vào nằm ở bệnh viện Việt Xô, bệnh viện lúng túng chả biết xếp vào tiêu chuẩn nào...”. Suốt cả thời bao cấp, cụ Thiện chỉ hưởng bìa “N”, thứ tem phiếu dành cho dân thường, mỗi tháng được mua một lạng đường và một lạng thịt”[3].
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng tấm lòng cao cả, tận trung với Tổ quốc, với dân tộc của ông bà Đỗ Đình Thiện vẫn luôn còn đó. Một người bạn đã khấn trước vong linh ông rằng: “Giàu không bỏ bạn, nghèo không bỏ bạn. Gian nan vẫn thủy chung với bạn! suốt một đời chúng tôi theo học cái nghĩa tình trước sau như nhất của Anh”[3].
---
1)    Viện Bảo tàng Cách mạng.
2)    Gia đình ông Đỗ Long Vân
3)    (1)-Đặc san Công an nhân dân; (2)-Tư liệu của nhà in Ngân hàng; (3)-Báo Quân đội nhân dân số 12010, ngày 24/1/1995.
** Vừa là bạn, vừa là người cộng sự của ông bà Thiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét